Gương người tốt việc tốt >> Thi đua - Khen thưởng

Chàng trai trẻ dân tộc Mông say mê làm kinh tế

07/05/2021 05:25:22 Xem cỡ chữ Google
Đó là Sùng A Khày sinh năm 1988, tại bản Háng Cháng Lừ xã Khao Mang huyện mù Cang Chải. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông lại neo người, bên ven bờ suối Nậm Kim, Khày đã phải trải qua những tháng ngày đói giáp hạt, cả nhà phải ăn mèn mén triền miên, năm 2002 trong một cơn bạo bệnh cha Khày đã qua đời để lại hai mẹ con Khày gieo neo vất vả mưu sinh. 

Khày bên con mảng tre gắn máy trên hồ thủy điện Khao Mang

 

Lúc đó Khày mới 15 tuổi, vừa đi học, vừa cùng mẹ lên nương, làm rẫy, đắp đổi qua ngày, cố gắng học xong lớp 9 Khày nghỉ học về nhà giúp mẹ làm ruộng nương, nhận thấy nếu chỉ trông vào ruộng nương thì không đủ sống, Khày xin đi học sửa thuê xe máy tại trung tâm huyện Mù Cang Chải.

 

Năm 2008 Khày về nhà lấy vợ, sinh con, làm trụ cột gia đình cho 5 nhân khẩu, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng. Với tay nghề đã học được, Khày mạnh dạn vay tiền ngân hàng chính sách, mở cơ sở sửa chữa xe máy, lúc đầu chỉ sửa xe máy, sau mày mò Khày sửa cả nông cụ sản xuất như máy cày, máy cưa xích, máy bừa cho nhân dân các xã khu IV như xã Lao Chải, xã Khao Mang, xã Hồ Bốn. Bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng trên tháng, mỗi năm cho thu nhập từ 35 đến 40 triệu đồng.

Xưởng sửa chữa máy móc của Sùng A Khày

Năm 2016, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của Hội Nông dân xã Khao mang phát động, trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, Khày đã khởi đầu nuôi 5 tổ ong mật, lúc đầu chưa có kinh nghiệm, vừa tìm hiểu tập tính của đàn ong, vừa nghiên cứu cách nhân đàn và thu lấy mật, sao cho hiệu quả cao mà ong không bỏ tổ đi vì đói, vì rét. Khày đã rất sáng tạo khi nuôi ong ở mỏm đồi nhô ra ven bờ suối Nậm Kim, nay là hồ thủy điện Khao Mang. Phong cảnh sơn thủy hữu tình, mỗi tổ ong được đặt dưới một tán cây, có che mưa, che nắng mà vẫn rất gần gũi với thiên nhiên, mặc cho thời tiết có lúc nắng lắm, mưa nhiều, hay mỗi khi rét đậm, rét hại đàn ong vẫn ổn định không bị chết rét hay bỏ tổ để đi tránh rét, cũng không phải di chuyển đàn đi nơi khác để tìm hoa cho ong làm mật, đàn ong của Khày ngày càng đông, đến nay đã có trên 30 tổ.

Chúng tôi tới thăm mô hình nuôi ong của Khày vào một buổi chiều cuối hạ, nước hồ thủy điện Khao Mang rất to do những ngày qua mưa nhiều, hồ rộng mênh mang, trên con mảng tre thô sơ, nhưng với óc sáng tạo Khày đã biến con mảng tre thành một chiếc xuồng máy, do gắn máy nổ của máy cày sang, mảng chạy rẽ nước chừng 10 phút là tới mỏm đồi nuôi ong của khày, dưới các tán cây rừng, từng tổ ong mật nép mình kín đáo chỉ có tiếng ong vo ve đi hút mật về. Khày thận trọng mở từng tổ ong, những khay mật vàng óng với những chú ong mật bu đầy xung quanh

 

Khày tươi cười phấn khởi nói, đây là đang mùa mưa mật còn ít đấy vì mưa nhiều ong không đi hút mật được, sang tháng 9, tháng mười sẽ thu được mật lần 3 trong năm, một năm em thu được 4 lần mật, mỗi lần trung bình từ 45 đến 50 lít mật, giá của mỗi lít mật ong trung bình 120 nghìn đồng/lít. Như vậy, mỗi lần thu cho 6 triệu đồng, với 4 lần thu cho 26 triệu đồng trên năm, đây là một nguồn thu nhập ổn định mà không phải tốn công sức gì, nếu tiếp tục nhân thêm đàn đây sẽ là một mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo…

Nhìn cách dùng dao khéo léo cắt từng phên mật ong vàng óng vừa sạch vừa không làm kinh động tới tổ ong của Khày tôi thấy thật thán phục, chàng thanh niên dân tộc Mông ít học mà lại giỏi dang đến thế, từ cách chăm sóc đàn ong, đến thu lấy mật đầy khoa học và sáng tạo, cũng từ đôi bàn tay tài hoa ấy, rất nhiều máy cày, máy bừa, xe máy đã được cải tử hoàn sinh, tiếp tục phục vụ cho bà con dân tộc Mông tăng gia sản xuất trên những thửa ruộng bậc thang…

 

Khày tiết lộ thêm, được sự giúp sức, động viên, chia sẻ của người vợ hiền và hai đứa con ngoan, ngoài các khoản thu nhập từ sửa chữa nông cụ và mật ong ra, em còn làm thêm được 1,5 tấn ngô, 2,5 tấn lúa trên năm, tính theo giá thị trường cho thu nhập khoảng 28 triệu đồng. Bình quân thu nhập mỗi năm ước tính từ 95 triệu đến 120 triệu đồng trên năm, con số này vẫn còn khiêm tốn lắm, vì mô hình nuôi ong mật của em còn nhỏ, số lượng đàn chưa đông, em sẽ tiếp tục nhân thêm đàn, đầu tư hơn nữa vào mô hình nuôi ong mật, nuôi thêm gà, lợn để tăng thêm thu nhập, cho các con ăn học đến nơi đến chốn, không để chúng bị thất học như em.

 

Chúng tôi thiết nghĩ: đúng, vì bước đầu khởi nghiệp, thu nhập còn khiêm tốn nhưng đó cũng là mơ ước của nhiều người nhất là với các bạn trẻ hiện nay trong khi chưa biết bắt đầu từ đâu, thì mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của Khày là một gợi ý. Đó thật sự là một tấm gương sáng về xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, hiệu quả và đầy tính thuyết phục, đó là nghị lực, dám nghĩ, dám làm của chàng thanh niên nhỏ thó nhưng đầy nhiệt huyết, không phải nói hay, nói tốt mà là cách làm hay, làm giỏi, Khày đã không quản ngại nắng mưa, sớm tối lúc thì miệt mài bên những chiếc máy cày, máy bừa hiện đại bị hỏng, lúc lại lênh đênh trên mặt hồ thủy điện để chăm sóc đàn ong, lúc lại trên ruộng lúa, nương ngô.

 

Có thể nói đây là những thủ lĩnh trẻ, những người khởi xướng, tiên phong đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng quê hương, đất nước trong thời kì mới. Khày nói với tôi: anh em trong hội Nông dân xã cũng thường xuyên đến trao đổi thêm và học hỏi kinh nghiệm về cách nuôi ong mật, em cũng chưa có nhiều kinh nghiệm lắm nhưng biết đến đâu, em truyền lại đến đó, để anh em trong hội Nông dân xã ai thích nuôi ong như em thì nuôi.

 

Thật mộc mạc mà chân tình, chứa đọng trong đó khát vọng vươn lên thoát nghèo, không phải tuyên truyền rầm rộ, mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của Khày bước đầu đã có sức lan tỏa từ các hội viên trong hội của xã mình. Thật đúng như như lời Bác Hồ dạy: “một tấm gương sống còn hơn cả một trăm câu diễn thuyết, tuyên truyền”.

 

Ánh mắt Khày sáng lên dưới ánh nắng chiều, đầy tin tưởng và hy vọng vào ngày mai tươi sáng. Chúng tôi cũng rất tin tưởng và hy vọng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của chàng thanh niên trẻ sẽ đứng vững và phát triển quy mô hơn nữa, cho thu nhập cao hơn và có sức lan tỏa, tạo động lực cho nhiều thanh niên trong bản, trong xã và các xã, thị trấn trong huyện, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với điều kiện của địa phương, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương vùng cao ngày càng giàu đẹp./.

                                                                                         Phạm Na - Đoàn Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h