Tin Hoạt động >> Phong trào

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới

03/09/2020 10:28:08 Xem cỡ chữ Google
Năm 2020 là tròn 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào thực tiễn, tạo nên sự chuyển biến sâu rộng, hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa, các hoạt động chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo nhân dân. Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư có nhiều chuyển biến tích cực, người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, khơi dậy lòng nhân ái, ý thức đoàn kết cộng đồng và tinh thần tự quản trong từng khu dân cư.

Đ/c Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực tham dự ra quân thực hiện công trình hoa ban tại Hạnh Sơn

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, phát động triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Yên Bái; hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái nhận thức sâu sắc đây là phong trào có tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc. Nội dung phong trào thiết thực, mang tính nhân văn cao cả, kế thừa và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư. Từ  nhận thức đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, phối hợp với HĐND, UBND và các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với Cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Hình thành tổ chức bộ máy thông qua thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động các cấp, xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động cụ thể; Tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đến các thành viên Ban chỉ đạo và đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp như: Nghị quyết TW5 khoá VIII về xây dựng và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của UBTWMTTQ Việt Nam khoá V; Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Chỉ thị số 935/CT-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tăng cường sự phối hợp của chính quyền trong tổ chức triển khai cuộc vận động; Quyết định số 339/QĐ-UBND, ngày 16/3/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; Kế hoạch số 12/KH-MT, ngày 29/3/2011 của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái... Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 07/10/2016 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 131/KHPH/UBND-UBMTTQ ngày 28/7/2017 về phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các văn của Trung ương, của tỉnh về hướng dẫn triển khai cuộc vận động. Tổ chức tập huấn về nội dung, quy chế hoạt động, biện pháp tổ chức thực hiện phong trào và cuộc vận động, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Mặt trận tổ quốc từ tỉnh đến khu dân cư.  

Hướng dẫn MTTQ các huyện, thị, thành phố (cấp huyện) kịp thời phối hợp triển khai Phong trào gắn với cuộc vận động; chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm; tổ chức kiểm tra giám sát, định kỳ một năm, 3 và 5 năm tổ chức đánh giá kết quả đạt được, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc. Hàng năm hướng dẫn rà soát kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban vận động các cấp; điều chỉnh, bổ xung quy chế hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn; tăng cường chương trình phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên. Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế phối hợp hành động với HĐND, UBND trong triển khai thực hiện.

Với mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào và cuộc vận động, Ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào đến các cấp uỷ Đảng, cán bộ, đảng viên; chính quyền, các ngành, các địa phương và đặc biệt trong hệ thống MTTQ, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư.

Cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm MTTQ các cấp đẩy mạnh vận động, tổ chức ký cam kết thực hiện nội dung phong trào và cuộc vận động trong các đoàn thể, các hộ gia đình. Hướng dẫn các tiêu chí và tổ chức bình xét gia đình văn hóa, công nhận khu dân cư tiên tiến thông qua Ngày Hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) 18/11 hàng năm.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động tại các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, sinh hoạt, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể để phổ biến nội dung phong trào đến hội viên, đoàn viên và nhân dân làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức và tư duy hành động, ý thức trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng và các tầng lớp nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy và mở rộng, nâng cao chất lượng phong trào và cuộc vận động trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,  Uỷ ban MTTQ các cấp đã triển khai sâu rộng 06 nội dung của cuộc vận động, (từ năm 2011 đến nay thực hiện lồng ghép thành 05 nội dung). Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, nhiều mô hình điển hình tiên tiến được xây dựng và nhân diện cùng hướng về mục tiêu của phong trào và cuộc vận động với những nội dung sau:

Cùng với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ gia đình nghèo; trong những năm qua MTTQ các cấp đã phối hợp vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống; các phong trào thi đua xoá đói, giảm nghèo đã được triển khai sâu rộng thông qua hoạt động của MTTQ, các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở.

Tổ chức hướng dẫn phối hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng vụ; thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm sản xuất, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ. Tổ chức giúp nhau về giống, vốn, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động trị giá mỗi năm trên 20 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị và khu dân cư đã phát huy tốt vai trò, hướng dẫn thực hiện vận động xây dựng mô hình phát triển kinh tế như: Khu dân cư Gò Đình, Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình; Khu dân cư Ao Luông, Đồng Lơi, huyện Văn Chấn; khu dân cư Cang Nà, tổ 32, phường Pú Trạng; tổ 12, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ; khu dân cư Bản Cây, Bản Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên; khu dân cư thôn Khe Ván, xã Quang Minh, huyện Văn Yên; khu dân cư Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên; các khu dân cư của xã Tân Thịnh, Nghĩa Tâm, Chấn Thịnh, Đại Lịch, thị trấn Liên Sơn; thị trấn Trần Phú, huyện Văn Chấn… ;Đoàn thanh niên xã Minh Bảo, Thành phố Yên Bái;

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xừy dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới tiếp tục được bổ xung, đổi mới về nội dung, phương thức, triển khai phù hợp với từng địa phương.

Thông qua Phong trào, đã động viên nhân dân hăng hái tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, nhân dân còn giúp nhau vốn, vật tư, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất và ngày công lao động để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, đời sống từng bước được cải thiện. Cùng với việc giúp đỡ nhau phát triển sản xuất nâng cao đời sống, nhân dân còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, cứng hoá mặt đường giao thông nông thôn. MTTQ các xã, phường, thị trấn, Ban công tác Mặt trận thôn, bản, khu dân cư vận động nhân dân hiến 144.617m2 đất, 565.988.000 ngày công lao động. Đã tham gia đóng góp làm được trên 70 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, thực hiện kiên cố hóa mở đường giao thông nông thôn trong giai đoạn (2011-2019) 1.800 km, với tổng số vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Xây dựng mới và duy trì 204 mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, xây dựng kế hoạch giúp đỡ 475 hộ thoát nghèo. Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, xây dựng kế hoạch giúp đỡ 79 hộ thoát nghèo tại xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn; Hội Nông dân tỉnh:thành lập mới 10 hợp tác xã và 100 tổ hợp tác; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: 05 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác, 05 doanh nghiệp; Tỉnh đoàn Thanh niên: 5 hợp tác xã, 50 tổ hợp tác; triển khai hỗ trợ thành lập mới từ 10 doanh nghiệp; Hội Cựu chiến binh tỉnh: 30 tổ hợp tác.Liên minh hợp tác xã vận động thành lập mới 10 hợp tác xã; Tỉnh đoàn Yên Bái tuyên truyền, vận động hỗ trợ được 85 hộ thoát nghèo.

Trong đó trọng tâm là các hoạt động giúp đỡ về cây, con giống; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hộ nghèo được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất thông qua hoạt động uỷ thác của các đoàn thể với ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Trong 5 năm (2015-2020) đã góp phần giúp cho 12.548 hộ trên địa bàn toàn tỉnh thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 xuống còn 11,56% so với 17,68% năm 2018 (giảm 6,12%).

Tích cực phối hợp với các ban, ngành, tổ chức thành viên vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; thực hành tiết kiệm trong tiêu dùng và sản xuất. Vận động người thân ở xa quê đóng góp xây dựng quê hương, đóng góp, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, các chương trình, dự án và hỗ trợ từ cộng đồng để giúp các hộ nghèo nâng cấp nhà ở, cải thiện đời sống. Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức thành viên ở các cơ sở vùng nông thôn đẩy mạnh vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ tổ chức liên kết giữa các hợp tác xã và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy nghề truyền thống của địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, MTTQ và các tổ chức thành viên ở các cơ sở vùng đô thị đẩy mạnh vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch đô thị; phát triển, đa dạng hoá ngành nghề dịch vụ và sản xuất kinh doanh, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống; vận động nhân dân thực hiện văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không bán hàng không có xuất xứ theo quy định của pháp luật, hàng giả, hàng kém chất lượng.  MTTQ tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thành công 02 mô hình điểm tham gia xây dựng đô thị văn minh tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái và phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ; Hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ; đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong đó đã có 10 tập thể, 10 cá nhân tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 01 tập thể và 02 cá nhân được Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ tặng Bằng khen.

MTTQ các cấp luôn xác định phong trào xây dựng đời sống văn hóa là một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động. Trong nhiều năm qua, MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Chỉ thị số 27/CT/BCT của Bộ Chính trị; Quyết định số 39/QĐ/UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cư­ới, việc tang và lễ hội;  Cùng với đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các ngành, đoàn thể tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm. Ngày hội được tổ chức ngày càng sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, được nhân dân hưởng ứng tích cực, đã thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân. Năm 2019, toàn tỉnh có 1.358/1.364 KDC có tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019, đạt 99,6%;1.352/1.358 KDC tổ chức tốt cả 2 nội dung phần Lễ và phần Hội đạt 99,6%; Có 238.972 người tham dự ngày hội; Có 10.960 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu được khen thưởng nhân dịp tổ chức ngày hội; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy đã đến dự Ngày hội và chung vui với nhân dân tại có 19 KDC tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh.

Song hành với việc xây dựng nếp sống văn minh, trên mảnh đất Yên Bái hiện còn bảo tồn và lưu giữ hàng trăm lễ hội truyền thống với hàng chục trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu, qua đó làm cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thúc đẩy ý thức tham gia tự giác của các tầng lớp nhân dân.

Trong các năm 2017, 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai, mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng. Ban Cứu trợ tỉnh - Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 03 đợt kêu gọi, vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ nguồn lực hỗ trợ cho nhân dân các địa phương trong tỉnh khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. MTTQ tỉnh và các huyện, thị, thành phố bị thiệt hại đã tổ chức tốt công tác tiếp nhận, phối hợp tiếp nhận và phân bổ các nguồn lực ủng hộ đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch. Phối hợp đẩy mạnh hoạt động giúp đỡ các nạn nhân da cam, gia đình chính sách khó khăn, người già không nơi nương tựa... Hưởng ứng phong trào “Người người làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”, Hội chữ thập đỏ các cấp trong 20 năm qua đã hỗ trợ 257 nghìn lượt người, trị giá trên 48 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động từ thiện nhân đạo của các cấp, các ngành, đã tạo được niềm tin vững trắc của nhân dân đối với Đảng và nhà nước; khối đại đoàn kết ngày càng được tăng cường và mở rộng.

Cùng với đó, MTTQ các cấp phối hợp thống nhất với chính quyền và ngành Y tế đưa tiêu chí sức khỏe vào nội dung đăng ký bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hoá”, thường xuyên đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh theo mùa, khám chữa bệnh kịp thời, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia công tác kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm hạn chế và không để xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm, nhất là trong dịp lễ tết, mùa lễ hội... Phối hợp vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng "Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm", qua đó đại đa số nhân dân đã có chuyển biến mạnh mẽ xu hướng lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc, lựa chọn các quán ăn đường phố đảm bảo chất lượng và vệ sinh sạch sẽ. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về DS-KHHGĐ, vận động các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo tích cực tham gia công tác DS-KHHGĐ nhằm giảm tỷ lệ dân số theo kế hoạch, mục tiêu của tỉnh đề ra. Phối hợp tổ chức lồng ghép tuyên truyền vận động nhân dân, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; xây dựng, nhân diện các mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; lồng ghép tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, hưởng ứng và thực hiện chiến dịch “Tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS- KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao,vùng khó khăn” trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai thực hiện duy trì mô hình “Khu dân cư thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ” tại thôn 6, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên. Đẩy mạnh vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp, đường hoa... góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Toàn tỉnh hiện có trên 4000 tổ tự quản bảo vệ môi trường ở KDC; 254 mô hình về xử lý chất thải tại cộng đồng; 103.115 hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 89% và có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 59%. Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp MTTQ các huyện, thị, thành phố triển khai 12 mô hình điểm Khu dân cư tự quản bảo về môi trường từ nguồn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ, sau đó nhân rộng được 46 mô hình, hiện nay các mô hình đã phát huy hiệu quả tại các khu dân cư.

Vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng; sống và làm việc theo pháp luật, tích cực phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, không vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông; vận động nhân dân cam kết không sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh quá quy định trong chăn nuôi; không sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực phẩm sai quy định, cam kết không kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn. Phát huy vai trò các tổ hòa giải, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ nhân dân, tạo không khí hòa thuận ở khu dân cư. Thành lập mới và duy trì có hiệu quả 626 mô hình tổ tự quản thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, 105 mô hình tổ tự quản bảo đảm ATGT, 118 mô hình tổ tự quản bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp cảm hóa, giáo dục tại cộng đồng 3.679 người lầm lỗi và cung cấp cho lực lượng Công an 3.340 nguồn tin tố giác tội phạm; duy trì, củng cố 1.364 khu dân cư có hòm thư tố giác tội phạm, 1.062 KDC không phát sinh tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội. Toàn tỉnh có 1.389 tổ hòa giải với trên 8.500 thành viên, trong 5 năm qua các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 11.505 vụ việc, đã hòa giải thành công 10.198 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,6%...Duy trì có hiệu quả  mô hình điểm "Khu dân cư tự quản không tái trồng cây thuốc phiện" tại thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. Vận động gần 2.000 lượt người đi cai nghiện tập trung, phối hợp phát hiện, triệt phá các tụ điểm ma tuý, cờ bạc, số đề, thu giữ nhiều ấn phẩm có nội dung thiếu lành mạnh, thu giữ hàng nghìn khẩu súng các loại và nhiều loại chất dễ cháy nổ tàng trữ trong nhân dân.

Trong 20 năm qua, MTTQ các cấp đã vận động nhân dân tích cực tham gia nghiên cứu học tập, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Pháp luật của Nhà nư­ớc. Mỗi năm tổ chức tham gia đóng góp hàng ngàn ý kiến cho Cán bộ, Đảng viên; các dự án Luật, văn kiện Đại hội Đảng các cấp qua các nhiệm kỳ. Tham gia hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X; XI; XII; XIII và HĐND các cấp. Tham gia nội dung chương trình, Đề án phát triển kinh tế, xã hội. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của cử tri đối với các chức danh chủ chốt do HĐND cấp xã bầu. Tổ chức giám sát việc thi hành chính sách Pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ. Củng cố, kiện toàn Ban công tác Mặt trận, Ban thanh tra nhân dân. Từ năm 2015 đến 2019, Ban Thanh tra nhân dân xã phường, thị trấn giám sát được 2.416 cuộc; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 2.806 dự án đầu tư. Hoạt động hòa giải ở cơ sở được triển khai có hiệu quả, toàn tỉnh có trên 1.389 tổ hòa giải với trên 8.500 thành viên, trong 5 năm qua các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 11.505 vụ việc, đã hòa giải thành công 10.198 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,6%. Thông qua công tác hòa giải đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết nội bộ Nhân dân, làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật.

Thông qua triển khai phong trào và Cuộc vận động đã phát huy đư­ợc sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, đảm bảo giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng, quản lý của Nhà n­ước, phát huy vai trò nòng cốt công tác vận động quần chúng của MTTQ và các đoàn thể gắn kết cán bộ, đảng viên với nhân dân. Nhiều cán bộ đảng viên g­ương mẫu đi đầu, phát huy tinh thần trách nhiệm, trở thành gương điển hình tiên tiến; phát huy được vai trò tiêu biểu của các già làng, trư­ởng bản, trưởng các dòng họ, ng­ười có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo… tạo ra phong trào tự quản trong cộng đồng dân cư; từ đó vị thế, vai trò của hệ thống chính trị ở khu dân cư được nâng lên, đáp ứng với yêu cầu đổi mới, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các chư­ơng trình phát triển kinh tế, xã hội, tăng cư­ờng an ninh quốc phòng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh được củng cố, phát triển cùng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của tỉnh trong những năm qua. Việc người dân đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh cũng như chung tay giữ gìn những nét đẹp văn hóa cổ truyền cho thấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được thực hiện một cách đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương trong tỉnh./.

Mai Hiên- Tiến Đạt

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h