Tin Hoạt động >> Xây dựng Đảng, chính quyền

Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư

02/07/2019 04:05:28 Xem cỡ chữ Google
Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các mô hình tự quản tại các khu dân cư, thôn (bản), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Các mô hình đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả như: mô hình tự quản về an ninh trật tự, khu dân cư tự quản về an toàn giao thông, tuyến đường văn minh đô thị, tuyến đường thanh niên tự quản, tuyến phố không rác đã được các huyện, thị xã, thành phố tích cực nhân rộng. Đến nay các mô hình được triển khai đã đem lại những hiệu quả nhất định tại cơ sở, bước đầu đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Lễ ra mắt mô hình tổ tự quản tại huyện Trấn Yên.

Thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, hiện nay tỉnh Yên Bái còn 1.364 thôn, tổ dân phố, trong đó có: 1.143 thôn (bản), 221 tổ dân phố, (giảm   899 thôn, tổ nhân dân so với khi chưa sắp xếp). Quy mô các thôn có từ 200 hộ trở lên, các tổ nhân dân có từ 300 hộ trở lên; các thôn, tổ nhân dân sau khi sáp nhập đã đi vào hoạt động từ tháng 01/2019. Sau khi sáp nhập các thôn, tổ nhân dân dần từng bước đi vào hoạt động ổn định. Sau khi có quyết định kiện toàn, sắp xếp lại thôn, tổ nhân dân của Ủy ban nhân dân tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị của tỉnh, đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ở các huyện, thị, thành phố tiến hành củng cố kiện toàn các chi hội đoàn thể ở cơ sở, trong đó: Ban công tác Mặt trận có: 1.364 ban; Hội Nông dân có: 1.299 chi hội, với 111.692 hội viên; Hội Phụ nữ có: 1.393 chi hội  và 1.043 tổ phụ nữ; Hội Cựu chiến binh có: 253 tổ chức hội cơ sở, 1.406 chi hội với 35.670 hội viên; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có: 263 tổ chức cơ sở Đoàn với 2.086 Chi đoàn, có 45.927 đoàn viên.

Trong những năm qua, hoạt động của tổ dân phố, thôn bản, các Ban công tác Mặt trận và đoàn thể ở khu dân cư đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập hợp quần chúng vào các tổ chức xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư; thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; phát động và thực hiện có kết quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn. Những kết quả đạt được đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, vượt qua khó khăn, phát huy dân chủ và nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương. Việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư, thôn (bản), tổ dân phố theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai thực hiện. Qua đó, đã nâng cao tinh thần đoàn kết và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường sống văn minh...

Trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế của địa phương, MTTQ, các tổ chức thành viên, các huyện, thị ủy và thành ủy đã triển khai, ban hành các chủ trương lãnh đạo, Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành các quyết định, kế hoạch xây dựng mô hình tự quản trên các lĩnh vực hoạt động như: kinh tế, an ninh trật tự, môi trường, nếp sống văn hóa, trật tự công cộng. Xác định mục tiêu nhân rộng các mô hình tự quản đã xây dựng điểm ra toàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng. Đến hết năm 2018 tỉnh Yên Bái có trên 8.000 mô hình trên các lĩnh vực: kinh tế; an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; nếp sống văn hóa văn minh.

Đối với các thôn, tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể đã được củng cố, kiện toàn theo Đề án sắp xếp của UBND tỉnh, duy trì hoạt động ổn định, nề nếp, triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung hoạt động của cấp ủy, chính quyền và của tổ chức đoàn thể cấp trên tới 100% đoàn viên, hội viên và nhân dân, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Qua đánh giá hoạt động của thôn (bản), tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể hàng năm các chi hội đều đạt từ 75 đến 80% hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức thôn, tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và chi hội các đoàn thể, yếu kém.

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng kế hoạch xây dựng các mô hình hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiêu biểu là mô hình “nuôi bò giống” tại xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn của MTTQ huyện Văn Chấn; mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững bằng hình thức nuôi cá lồng trên Hồ Thác bà của MTTQ huyện Yên Bình; mô hình làm hố rác bảo vệ môi trường của MTTQ các xã thuộc huyện Văn Yên; mô hình “những con đường hoa” đoạn đường phụ nữ tự quản của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp; mô hình “đoạn đường con chăm”; “đoạn đường thanh niên”; “cổng trường trật tự an toàn giao thông” của Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí

Hiện toàn tỉnh có trên 3000 mô hình về phát triển kinh tế: điển hình như mô hình kinh tế tập thể (các Hợp tác xã và Tổ hợp tác): Các hợp tác xã hoạt động theo Điều lệ, Tổ hợp tác hoạt động theo Quy chế. Các Hợp tác xã và tổ hợp tác do Hội vận động thành lập trước đây tổ chức hoạt động hiệu quả, tích cực sản xuất, kinh doanh và tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho các thành viên với mức thu nhập ban đầu từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng; Mô hình tín dụng - tiết kiệm (các chi, tổ tiết kiệm vay vốn, nhóm phụ nữ góp vốn xoay vòng): Hoạt động theo Quy chế, tổ chức sinh hoạt theo định kỳ do các Tổ, nhóm quy định, tích cực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích.

Hầu hết các mô hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế, hoạt động hiệu quả thông qua các hoạt động vay vốn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập....; xây dựng và duy trì có hiệu quả 579 tổ tự quản về an ninh trật tự; 2.163 điểm trình báo tạm trú, tạm vắng; duy trì hoạt động của 132 mô hình, tiên tiến về công tác đảm bảo an ninh trật tự, tiêu biểu như: Mô hình “Bóng điện an ninh”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Họ giáo tiên tiến, gia đình giáo dân tiêu biểu”... đã hoạt động tích cực, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố các mối đại đoàn kết dân tộc, tình làng nghĩa xóm, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Tự quản về môi trường: Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì có hiệu quả 3.260 tổ tự quản về môi trường. Phát huy truyền thống bảo vệ môi trường, hiện nay nhiều thôn, bản đã xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước thải, có đội chuyên thu gom rác thải đem chôn, đem đốt, chế biến làm phân bón, đoàn đương hoa tự quản. Tiêu biểu như: tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu Thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp; Khu phố 3, Thị trấn Cổ phúc, huyện Trấn Yên; Thôn Bến đền, xã Đông Cuông , huyện Văn Yên….

Tự quản về văn hóa có 100% thôn (bản), tổ dân phố xây dựng được quy ước văn hoá; 161 tổ tự quản lĩnh vực nếp sống văn minh với trên 3.000 thành viên. Các tổ tự quản xây dựng nếp sống văn hóa tập trung chủ yếu vào các nội dung: Xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hoá gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; từ đó người dân đã tự giác, nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị, từ việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trật tự đô thị; thân thiện trong giao tiếp ứng xử, vệ sinh môi trường. Xây dựng thói quen treo cờ trong các ngày lễ lớn theo quy định, thu nộp các loại quỹ vận động đúng thời gian.n Đại đa số gia đình trong các thôn (bản), tổ dân phố đã tự quản tốt; đã giáo dục, quản lý, vận động các thành viên trong gia đình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở. Nhiều gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (hàng năm có 76% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, hàng năm có 58% thôn (bản), tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa).

Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền tuyên truyền xây dựng các mô hình “Tự quản về an ninh trật tự”; “Tự quản về bảo vệ môi trường”; “Tự quản về nếp sống văn minh”; Các thôn (bản), tổ dân phố hiện nay đều có hình thức tự quản theo địa vực gồm một số hộ sống gần nhau (xóm, tổ, cụm dân cư). Mỗi tổ có tổ trưởng, có nơi địa bàn rộng, số hộ đông có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó giúp trưởng thôn trực tiếp vận động, tổ chức các hoạt động tự quản trong phạm vi địa bàn của tổ. Đây là tổ chức liên gia tự quản, nơi thể hiện rõ nhất, thường xuyên và trực tiếp nhất các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư như giúp nhau trong sản xuất, cùng nhau bảo vệ trị an, làm vệ sinh môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng trong xóm, tổ. Tự quản là nơi mối quan hệ láng giềng đang được duy trì, tình cảm hàng xóm được vun đắp, là cơ sở hạn chế và giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh tại địa bàn. Các gia đình trực tiếp, thường xuyên giúp nhau trong sản xuất như hỗ trợ nhân lực lao động lúc gieo cấy, thu hoạch; mượn nhau công cụ sản xuất khi chưa kịp sắm, sửa; trao đổi, hướng dẫn nhau về kỹ thuật canh tác... Giúp nhau giải quyết những khó khăn trong đời sống hàng ngày, khi có công việc lớn như dựng nhà, tổ chức đám cưới, đám tang. Phát hiện, góp ý cho láng giềng bảo ban con em giữ gìn nền nếp, đạo đức, chăm chỉ học tập, phòng tránh tệ nạn. Vận động nhau xây dựng đường ngõ, cống rãnh thoát nước; thành lập các tổ bảo vệ, tổ vệ sinh môi trường; cùng nhau xây dựng nếp sống của xóm tổ gần gũi, thuận hòa, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Xóm, tổ tự quản tốt đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác dân vận khi triển khai các cuộc vận động các phong trào tại thôn, bản, tổ dân phố, cơ sở. Trong thôn (bản), tổ dân phố người dân tự tổ chức, tham gia vào nhiều tổ chức tự quản của các tổ chức hội quần chúng.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, một số mô hình tự quản mang tính hình thức, ý thức tham gia của bộ phận nhân dân ở cộng đồng dân cư chưa thực sự chuyển biến rõ nét. Trong khi việc tự quản để đôn đốc, nhắc nhở, chưa có hình thức chế tài cụ thể. Việc “mạnh ai nấy làm” đã tạo ra sự còn chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và các thành viên giữa các tổ tự quản. Điển hình như cùng nội dung bảo vệ môi trường nhưng có nhiều mô hình như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường đảm bảo vệ sinh môi trường”,… nhiều mô hình tự quản chưa phát huy hiệu quả, việc thực hiện giống kiểu “đánh trống bỏ dùi...”. Trong khi, việc xây dựng quy chế hoạt động, quy trình thực hiện, tự tham gia của các hộ dân, công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra… còn nhiều hạn chế. Việc phối hợp giữa Mặt trận và các ngành chức năng trong công tác xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư chưa đồng bộ.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sau khi sáp nhập các thôn, tổ dân phố, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của các xóm sẽ lớn hơn, các xóm ở xa nhau khi được sáp nhập lại thành xóm mới thì việc đi họp, trao đổi thông tin, tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn hơn.

Vì vậy, việc hình thành các tổ tự quản ở khu dân cư là phù hợp. Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên. Góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tiềm năng, nguồn lực của người dân và cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý xã hội, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Trung ương sớm xây dựng, hoàn thiện tổ tự quản ở cộng đồng dân cư ở thôn (bản), tổ dân phố đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền và chủ trì của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Xây dựng, nhân rộng các tổ tự quản trong cộng đồng dân cư là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu, làm nòng cốt.

Bám sát Chương trình hành động số 144-CT/TU ngày 15/2/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận 37 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2019, trong đó phân công chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ “Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn (bản), tổ dân phố. Năm 2019, chủ trì thành lập tối thiểu 02 tổ tự quản/01 tổ dân phố, thôn ở vùng thấp; 50% thôn (bản) ở vùng cao xây dựng được tổ tự quản do MTTQ quản lý”. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 331 ngày 28/2/2019; Kế hoạch phối hợp số 335 về thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 37. Từ đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 346/HD-MTTQ, ngày 29/3/2019 triển khai xây dựng mô hình tự quản ở thôn (bản), tổ dân phố với 7 nội dung hoạt động: Tự quản về nhân khẩu hộ khẩu; Tự quản về tài sản; Tự quản về trật tự trị an; Tự quản về văn hóa; Tự quản về vệ sinh môi trường; Tự quản về an toàn giao thông; Tự quản về trật tự công cộng.

Lãnh đạo ban Phong trào MTTQ tỉnh tham gia trồng cây tại buổi ra mắt điểm tổ tự quản về môi trường tại thôn Phú Sơn, xã Yên Phú.

Sau khi nhận được hướng dẫn, các xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo; UBND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội các xã, phường, thị trấn phối hợp thực hiện nghiêm túc. Tổ chức họp, lấy ý kiến của Đảng ủy, Mặt trận và các đoàn thể trong việc xây dựng các mô hình tổ tự quản. Sau khi họp thống nhất MTTQ các xã, phường, thị trấn ban hành các văn bản thực hiện: Kế hoạch triển khai xây dựng điểm mô hình tổ tự quản trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; Hướng dẫn xây dựng mô hình tổ tự quản; Quyết định thành lập Ban chỉ đạo (đối với các xã, phường chưa thành lập Ban chỉ đạo); Quyết định công nhận các mô hình tổ tự quản; công nhận tổ trưởng, tổ phó các tổ tự quản; ban hành quy chế hoạt động của các tổ tự quản và phân công MTTQ, các tổ chức đoàn thể phụ trách các mô hình hoạt động. Trong tháng 5-6/2019, hàng loạt các mô hình tự quản tại các thôn (bản), tổ dân phố, đã được thành lập và ra mắt.

Tổ tự quản có từ 15 đến 30 hộ cùng sống liền kề trên địa bàn khu dân cư, tùy điều kiện từng nơi có quy mô hợp lý, bảo đảm vừa dễ bàn bạc, dễ thống nhất, vừa tạo ra được sức mạnh của tập thể. Tổ tự quản được thành lập nhằm tạo mối quan hệ gắn bó bền chặt tình làng, nghĩa xóm. Đồng thời, để mọi người ứng xử hòa nhã, thân thiện, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong mọi hoạt động, sinh hoạt đời sống xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân. Thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Sau 2 tháng triển khai, đến nay đã có trên 1.000 tổ tự quản cộng đồng ra mắt và đi vào hoạt động. Các tổ hoạt động đúng theo quy chế, từng hộ gia đình đã nâng cao nhận thức và có trách nhiệm và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đa số người dân đều nhận thấy việc xây dựng mô hình tự quản toàn diện là cần thiết, bởi nó đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người. Từ việc thực hiện mô hình tự quản toàn diện, nhân dân đã tham gia các hoạt động ở phố, thôn tích cực, trách nhiệm hơn. Mô hình tổ tự quản là “cánh tay nối dài”, là nền tảng để xây dựng, củng cố thực hiện phương châm “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ và tự hòa giải”.

Trong công tác triển khai thực hiện các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn (bản), tổ dân phố luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vì vậy đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên và các cơ quan đơn vị đã có sự phối hợp chặt trong việc vận động, triển khai và thực hiện các văn bản của Tỉnh cũng như của huyện đến với từng xã, thị trấn về việc thành lập các mô hình tự quản ở thôn bản.

Với việc đi vào hoạt động nền nếp của các mô hình tự quản ở thôn, tổ dân phố sẽ góp phần xây dựng hình ảnh con người Yên Bái thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo./.

Bài, ảnh: Mai Hiên

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h