Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Vai trò người tiêu biểu các dân tộc thiểu số trong xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư

09/10/2019 09:37:05 Xem cỡ chữ Google
Ở nước ta hiện nay, miền núi, vùng cao chiếm 3/4 diện tích tự nhiên. Đây là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em chiếm gần 1/4 dân số cả nước. Trong những năm qua, nhờ có những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng cao, vùng sâu các xã, thị trấn của tỉnh Yên Bái đã dần được chuyển biến, kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, khối đại đoàn kết được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được lan tỏa rộng khắp. Trong thành tích chung đó có vai trò rất lớn của người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các vị có uy tín tiêu biểu là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, đồng bào dân tộc.

Đ/c Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái trao bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Trên địa bàn tỉnh miền núi Yên Bái hiện có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55%. Những năm qua, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng lòng, đoàn kết sát cánh cùng với Đảng bộ, chính quyền trong bảo vệ và xây dựng quê hương. Một trong những nhân tố tạo nên mối đoàn kết, cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân chính là người có uy tín trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Yên Bái hiện có trên 1.150 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tinh thần gương mẫu, những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ, tấm gương cho con cháu và người dân noi theo. Nhiều năm qua, với sự gương mẫu và uy tín tiêu biểu của mình đã phát huy vai trò quan trọng trong đời sống của người dân tại các thôn, bản; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, (bản) tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Các mô hình đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả như: mô hình tự quản về an ninh trật tự, khu dân cư tự quản về an toàn giao thông, tuyến đường văn minh đô thị, tuyến đường thanh niên tự quản, tuyến phố không rác đã được các huyện, thị xã, thành phố tích cực nhân rộng. Đến nay các mô hình được triển khai đã đem lại những hiệu quả nhất định tại cơ sở, bước đầu đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Đây là tổ chức tự nguyện của quần chúng Nhân dân, dưới sự quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, kinh phí hoạt động do các thành viên trong tổ bàn bạc và tự nguyện đóng góp. Các mô hình tự quản đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục các thành viên trong tổ chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của địa ph­ương, quản lý tốt tài sản trong gia đình, tài sản cộng đồng, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh, trật tự,… Mô hình tự quản hợp với ý Đảng, lòng dân, phù hợp với đặc điểm địa lý và phong tục tập quán, nếp sống đã được Nhân dân đồng tình ủng hộ tham gia, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, hiện nay tỉnh Yên Bái còn 1.364 thôn, tổ dân phố, trong đó có: 1.143 thôn (bản), 221 tổ dân phố, (giảm   899 thôn, tổ nhân dân so với khi chưa sắp xếp). Quy mô các thôn có từ 200 hộ trở lên, các tổ nhân dân có từ 300 hộ trở lên; các thôn, tổ nhân dân sau khi sáp nhập đã đi vào hoạt động từ tháng 01/2019. Sau khi sáp nhập các thôn, tổ nhân dân dần từng bước đi vào hoạt động ổn định.

Trong những năm qua, hoạt động của tổ dân phố, thôn bản, các Ban công tác Mặt trận, đoàn thể, người tiêu biểu ở thôn (bản), tổ dân phố đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập hợp quần chúng vào các tổ chức xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư; thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; phát động và thực hiện có kết quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn. Những kết quả đạt được đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, vượt qua khó khăn, phát huy dân chủ và nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương. Đến hết năm 2018 tỉnh Yên Bái có trên 8.000 mô hình tổ tự quản trên các lĩnh vực: kinh tế; an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; nếp sống văn hóa văn minh.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, một số mô hình tự quản mang tính hình thức, ý thức tham gia của bộ phận nhân dân ở cộng đồng dân cư chưa thực sự chuyển biến rõ nét. Trong khi việc tự quản để đôn đốc, nhắc nhở, chưa có hình thức chế tài cụ thể. Việc “mạnh ai nấy làm” đã tạo ra sự còn chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và các thành viên giữa các tổ tự quản.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sau khi sáp nhập các thôn, tổ dân phố, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của các xóm sẽ lớn hơn, các xóm ở xa nhau khi được sáp nhập lại thành xóm mới thì việc đi họp, trao đổi thông tin, tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn hơn.

Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên. Góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tiềm năng, nguồn lực của người dân và cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý xã hội, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

 Bám sát Chương trình hành động số 144-CT/TU ngày 15/2/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận 37 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2019, trong đó phân công chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ “Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn (bản), tổ dân phố. Năm 2019, chủ trì thành lập tối thiểu 02 tổ tự quản/01 tổ dân phố, thôn ở vùng thấp; 50% thôn (bản) ở vùng cao xây dựng được tổ tự quản do MTTQ quản lý”. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 331 ngày 28/2/2019; Kế hoạch phối hợp số 335 về thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 37. Từ đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 346/HD-MTTQ, ngày 29/3/2019 triển khai xây dựng mô hình tự quản ở thôn (bản), tổ dân phố với 7 nội dung hoạt động: Tự quản về nhân khẩu hộ khẩu; Tự quản về tài sản; Tự quản về trật tự trị an; Tự quản về văn hóa; Tự quản về vệ sinh môi trường; Tự quản về an toàn giao thông; Tự quản về trật tự công cộng.

Tổ tự quản có từ 15 đến 30 hộ cùng sống liền kề trên địa bàn khu dân cư, tùy điều kiện từng nơi có quy mô hợp lý, bảo đảm vừa dễ bàn bạc, dễ thống nhất, vừa tạo ra được sức mạnh của tập thể. Tổ tự quản được thành lập nhằm tạo mối quan hệ gắn bó bền chặt tình làng, nghĩa xóm. Đồng thời, để mọi người ứng xử hòa nhã, thân thiện, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong mọi hoạt động, sinh hoạt đời sống xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân. Thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 4 tháng triển khai, đến nay đã có trên 2000 tổ tự quản cộng đồng ra mắt và đi vào hoạt động. Các tổ hoạt động đúng theo quy chế, từng hộ gia đình đã nâng cao nhận thức và có trách nhiệm và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đa số người dân đều nhận thấy việc xây dựng mô hình tự quản toàn diện là cần thiết, bởi nó đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người. Từ việc thực hiện mô hình tự quản toàn diện, nhân dân đã tham gia các hoạt động ở phố, thôn tích cực, trách nhiệm hơn. Mô hình tổ tự quản là “cánh tay nối dài”, là nền tảng để xây dựng, củng cố thực hiện phương châm “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ và tự hòa giải”.

Các thành viên Tổ Tự quản thôn Đồng Quýt- xã Bảo Hưng ký cam kết trong buổi Lễ ra mắt

Tuy nhiên từ thực tiễn việc phát huy vai trò và ảnh hưởng người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung, ở tỉnh Yên Bái nói riêng những năm qua và hiện nay còn mờ nhạt và chưa có sự quan tâm đúng vị trị của nó. Việc tăng cường “tổ chức hóa” về số lượng các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức hội, nhóm…(nhưng lại thiếu tổ chức và phối hợp hoạt động chặt chẽ, đồng bộ) đã và đang làm lu mờ vai trò cá nhân người tiêu biểu trong các dân tộc  thiểu số.

Để giúp cho việc phát huy vai trò người tiêu biểu các dân tộc thiểu số trong xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, thôn (bản) tổ dân phố phát huy hiệu quả, thời gian tới cần làm tốt công tác vận động phát huy vai trò người tiêu biểu các dân tộc thiểu số phải được tiến hành thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc thống nhất các tiêu chuẩn của người tiêu biểu; Mặt trận phải tích cực tìm hiểu, gặp gỡ, vận động người có uy tín tiêu biểu để phát huy, tranh thủ tối đa khả năng, năng lực và uy tín của họ; xác định rõ nội dung, phương pháp vận động đối với từng cá nhân sao cho phát huy năng lực sở trường của người tiêu biểu các dân tộc thiểu số trong công tác vận động quần chúng; cần phát huy được vai trò, vị trí ảnh hưởng của người uy tín trong từng vùng, từng dân tộc, từng dòng họ để có phương pháp tranh thủ, sử dụng phù hợp; Công tác vận động người tiêu biểu phải được kết hợp giữa vận động cá biệt và vận động rộng rãi. Đối với những người tiêu biểu mà hoạt động kém hiệu quả, cần phải kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, những khúc mắc trong cuộc sống và không được xa lánh họ, mà phải thường xuyên gặp gỡ, tác động để chuyển hóa tư tưởng; Các cấp, các ngành nói chung, lực lượng công an nói riêng cần tiếp tục tổ chức quán triệt các nội dung, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác vận động quần chúng, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, ảnh hưởng của người tiêu biểu trong cộng đồng, họ chính là cái gốc, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong cuộc sống và tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; Quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng những người  tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, đặc biệt trong vận động xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố sẽ góp phần xây dựng hình ảnh con người Yên Bái thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo./.

Thanh Xuân

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h