Hoạt động các tổ chức thành viên >> Phong trào

Quỹ hỗ trợ nông dân- điểm tựa thoát nghèo của hội viên nông dân Yên Bái

22/12/2022 11:02:15 Xem cỡ chữ Google
Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân, những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương có nhiều hoạt động thiết thực như: tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; vay vốn ủy thác qua các ngân hàng; triển khai hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân (QHTND)..., góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hoàng Xuân Long (thứ hai từ trái sang) thăm mô hình trồng cam từ vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tại xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn Chấn

Để sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao, năm 2022, HND các cấp đã phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ vốn vay cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, dạy nghề cho hàng chục nghìn hội viên. Qua tập huấn, hội viên đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp; sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn Viet GAP; thực hiện việc dồn điền đổi thửa gắn với đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác…

Ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết: "Cùng với các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hội viên, năm 2022, tổng nguồn QHTND toàn tỉnh được 31 tỷ 092 triệu đồng. Trong đó, quỹ Trung ương Hội là 7 tỷ 041 triệu đồng; quỹ tỉnh là 13 tỷ 541 triệu đồng; Quỹ cấp huyện, thị xã, thành phố là 10 tỷ 510 triệu đồng. Từ nguồn quỹ trên, Hội triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới đạt chuẩn OCOP; khuyến khích sử dụng vốn theo nhóm hợp tác xã, tổ hợp tác… ".

"Việc triển khai các dự án vay vốn từ QHTND thực hiện đảm bảo đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích. Đến nay, QHTND tỉnh đã trực tiếp giải ngân được 26 dự án với số tiền 10 tỷ 730 triệu đồng. Trong đó, có 9 dự án trồng trọt (chiếm 34,6%); 17 dự án chăn nuôi (chiếm 65,45%)… Qua nắm bắt tại cơ sở cho thấy việc triển khai QHTND được chính quyền các địa phương đánh giá cao bởi đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của HND các địa phương…”, ông Long nói thêm. 

Cùng với việc triển khai hiệu quả nguồn QHTND, các hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật đối với các ngân hàng trong hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được HND các cấp đặc biệt quan tâm chú trọng. 

Để kiểm tra, giám sát hoạt động QHTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng, năm 2022, HND tỉnh đã tổ chức 9 cuộc kiểm tra tại 9 huyện, thị, thành phố, đã tiến hành kiểm tra 10 xã, 19 tổ tiết kiệm và vay vốn và 95 hộ vay; cấp huyện, tổ chức 75 cuộc kiểm tra tại 158 đơn vị xã, thị trấn, 219 tổ vay vốn và 1.024 hộ vay; cấp xã, phường, thị trấn, tổ chức 203 cuộc tại 458 tổ vay vốn và 4.881 hộ vay. 

Qua kiểm tra cho thấy hội viên vay vốn đúng mục đích theo hướng dẫn của hội cấp trên; việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn đảm bảo theo quy định… Việc triển khai tốt các dự án vay vốn QHTND và các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nhiều mô hình kinh doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Điển hình như Dự án trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; Dự án trồng lúa nếp tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên; chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Xuân Lai, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tại các xã Hán Đà, Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Nhiều hộ, sau khi dự án kết thúc, đã nâng mức thu nhập bình quân từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, một số mô hình đạt mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Các dự án đã đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

QHTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế việc vận động, xây dựng phát triển QHTND cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn do nguồn thu ngân sách thấp nên việc cấp vốn cho Quỹ còn hạn chế; xây dựng các mô hình, dự án cấp huyện còn nhỏ lẻ chưa tạo được sự liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm… 

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng có nhiều kiến nghị, đề xuất HND cấp trên tiếp tục tăng cường nguồn vốn QHTND ủy thác từ 1 đến 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng các dự án lớn trong năm 2023; cần cho vay theo dự án của Hội với lãi suất thấp để tạo điều kiện cho nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… 

Thạch Phong

 

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h