Ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
2. Bà Đào Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Phường Yên Ninh:
Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp. Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng nông thôn. Đối với tỉnh Yên Bái, đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho biết có giải pháp gì để phát triển nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng nêu trên, nhất là: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
3. Bà Cao Thị Thắm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Phường Yên Thịnh:
Một trong những vấn đề được cử tri quan tâm trong thời gian qua đó là: Triển khai các dự án giao thông trọng điểm để tăng cường kết nối liên kết vùng. Với tỉnh Yên Bái, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo tỉnh thông tin cho cử tri biết về các giải pháp đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Yên Bái để tăng cường kết nối vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
NGÀNH Y TẾ:
1. Bs Nguyễn Việt Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nguyễn Thái Học:
Trong đại dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, hệ thống y tế cơ sở rơi vào tình trạng thiếu nhân lực phục vụ công tác chuyên môn và phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là đối với các Trạm y tế các phường có số dân lớn (trên 10 nghìn dân), biên chế trạm có 04 cán bộ y tế trong khi đó trạm y tế phường không có y tế tổ dân phố, không có cộng tác viên dân số, cho nên nhân viên y tế rất vất vả và áp lực trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ , nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ. Hiện tại tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã tương đối ổn định, tuy nhiên trong thời gian tới công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đối với tuyến cơ sở ngày càng cao hơn để đáp ứng nhu cầu người dân và giảm tải cho tuyến trên. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là bổ sung nhân lực cho các trạm y tế, nhất là các trạm y tế phường có dân số đông > 10.000 dân.
Đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho y tế cơ sở để nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
2. BS Bùi Thị Bích Hợi, Trạm Y tế phường Đồng Tâm:
Theo quan điểm của Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thì “Nghề y là một nghề đặc biệt”. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Theo đó, những năm qua Chính phủ đã có các chính sách ưu đãi đối với lực lượng cán bộ ngành y tế. Tuy nhiên, lương, thâm niên nghề và các khoản phụ cấp chưa tương xứng với nghề y, đời sống của cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc hoàn thiện, bổ sung chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế là việc làm cần thiết để bảo đảm lợi ích nghề nghiệp, thu hút được nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế trong thời gian tới.
3. Bs Phạm Thị Thuỷ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tuy Lộc:
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, kinh phí chi thường xuyên của các Trạm y tế xã/phường/thị trấn hiện nay chỉ từ 16 triệu -18 triệu/năm (trong đó phải tiết kiệm 10% theo quy định). Với số kinh phí ít ỏi như vậy, hiện nay tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn không đảm bảo chi cho hoạt động của trạm bao gồm chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, kinh phí chi trả cho thuê nhà cung cấp mạng Internet….
Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có những giải pháp, nâng mức kinh phí chi thường xuyên của các Trạm y tế xã/phường/thị trấn để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động tại tuyến xã.
Lãnh đạo Bệnh viện Lao phổi tỉnh:
Với một số lĩnh vực đặc thù trong ngành y như: Lao, bệnh truyền nhiễm, tâm thần, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh (là những công việc có yếu tố nguy hiểm), cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ của cán bộ Y tế. Nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp để thu hút cán bộ y tế ở lĩnh vực đặc thù này và cơ chế để thu hút cán bộ y tế về vùng sâu, vùng xa.
Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành những chính sách thu hút cán bộ y tế thuộc các lĩnh vực đặc biệt và có chính sách hợp lý để thu hút cán bộ y tế về và yên tâm công tác tại vùng sâu, vùng xa.
NGÀNH GIÁO DỤC:
1. Ông Nguyễn Xuân Tuyên, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt:
Đề nghị tỉnh xem xét việc chuyển hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên theo các quy định mới; nhất là đối với một số giáo viên đã được xét thăng hạng năm 2021 để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên theo quy định.
2. Bà Lê Thị Quang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Yên Bái
Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, thời gian tới tỉnh có những cơ chế, chính sách nào để thúc đẩy việc phát triển các trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ngoài công lập để tăng tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp.
3. Ông Nguyễn Duy Huỳnh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ:
Hiện tại mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đang được áp dụng theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ (40%); Ngày 17/3/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về việc áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đến thời điểm hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn thực hiện áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo Nghị quyết số 38/NQ - CP để động viên lực lượng cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
4. Ông Nguyễn Đồng Lượng, Phó trưởng phòng kế hoạch, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình:
Tại Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng12 năm 2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phòng chống dịch. Sau 11 năm hiện nay các chế độ có nhiều bất cập, trượt giá, đặc biệt chế độ phụ cấp thường trực quá thấp so với mức sống hiện tại. Ví dụ: Bác sỹ trực tại trạm y tế với mức chi trả hiện nay là 25.000 đồng/ phiên trực 24h. Trong đó, trực ngày thường 16/24 giờ hiện tại thanh toán bằng 0,75 mức 24h là 18.750 đồng . Rất bất cập cho cán bộ y tế thường trực bởi mức sống và thu nhập bình quân của xã hội hiện tại cao gấp nhiều lần mức phụ cấp thường trực cũng là khó khăn và không yên tâm công tác cho các cán bộ y tế.
Đề nghị Đoàn Quốc hội xem xét kiến nghị với chính phủ và các bộ ngành nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chế độ phụ cấp đặc thù tại quyết định 73/2011/QĐ-TTg.
5. Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình:
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bổ sung những môn học mới vào giảng dạy đối với lớp 1, 2, 3 và 6, 7 đặc biệt đối với những bộ trước đây là tự chọn giờ là môn học bắt buộc như: Tin học, tiếng Anh cấp Tiểu học; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật)… dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, mất cân đối giáo viên ở các bậc học. Để khắc phục tình trạng trên, các trường học tại nhiều địa phương đề ra các giải pháp trước mắt như: Giảm số lớp, tăng sĩ số học sinh mỗi lớp, tổ chức để thầy cô dạy tăng giờ... Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, nhất là tại các vùng khó khăn.
Để giải quyết bài toán thiếu đội ngũ như vậy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có những giải pháp nào để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạt kết quả, hiệu quả và mang tính lâu dài.
6. Ông Đào Thanh Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế, huyện Trấn Yên
Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến đối với Chính phủ để chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể, nhất quán trong quá trình thanh quyết toán việc khám chữa bệnh BHYT (Cụ thể: Ngày 29/4/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BYT Hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo định suất, nhưng đến ngày 01/12/2021, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư số 22/2021/TT- BYT Quy định ngưng hiệu lực của Thông tư số 04/2021/TT-BYT ngày 29/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo định suất).
7. Ông Vũ Quốc Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, huyện Trấn Yên
Đề nghị tỉnh quan tâm cấp kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất tại các đơn vị trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn mức độ 2 của huyện Trấn Yên.
8. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên
Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm quy mô dân số đối với các thị trấn miền núi so với quy mô dân số của thị trấn ở miền xuôi để có khả năng thực hiện (Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTBQH13 về phân loại đô thị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì tiêu chí quy mô dân số phải đạt 50.000 người, như vậy rất khó thực hiện được tiêu chí này).
9. Ông Lưu Quang Lợi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, huyện Văn Yên
Trong thời gian qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là các chính sách đối với nhà giáo, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần quan trọng trong việc huy động, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng dạy học.
Tuy nhiên, từ khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Chính phủ được ban hành thì giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp một số khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là chính sách đối với học sinh bán trú. Do vậy, trân trọng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm tạo điều kiện để học sinh phổ thông hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách bán trú.
10. Ông Cầm Văn Luận, Chủ tịch UB MTTQ xã Ngòi A
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của Đảng và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của HĐND tỉnh Yên Bái về sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái khi sáp nhập thôn, tổ dân phố hoàn thành thì diện tích quản lý của 01 thôn vùng miền núi là khá rộng, đi lại khó khăn dân cư sống rải rác không tập chung,….. phụ cấp hỗ trợ thấp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến đời sống cán bộ cấp thôn. Đề nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh xem xét nâng mức phụ cấp cho cán bộ thôn, tổ dân phố.
11. Ông Phương Quốc Khải, Trưởng Phòng Dân tộc, huyện Văn Yên
Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 14/10/2021, kèm theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Từ đó đến nay, Trung ương và tỉnh đã triển khai đăng ký nhu cầu thực hiện giai đoạn 2021-2025 và đề xuất nhu cầu thực hiện năm 2023. Tuy nhiên, đã qua 1,5 năm nhưng Chương trình chưa được thực hiện tới cơ sở. Do đó: Đề nghị Trung ương sớm triển khai thực hiện Chương trình để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sớm được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước theo thời gian của Chương trình.
Trong quá trình triển khai thực hiện tại huyện Văn Yên, Chương trình cũng gặp một số vướng mắc nhất định, cụ thể như: Trên địa bàn huyện có một số xã chịu tác động của Quyết định 861; ví dụ như: Xã Viễn Sơn đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2021, dự kiến năm 2022 có thêm 03 xã khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay tỉnh đã triển khai đăng ký nhu cầu thực hiện Chương trình năm 2023 nhưng năm 2021, 2022 Chương trình chưa được thực hiện, vậy sau khi các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì có còn được tính bù để thụ hưởng chính sách của thời gian chưa được công nhận đạt chuẩn NTM hay không thì chưa có văn bản nào hướng dẫn, có thể sẽ dẫn đến thiệt thòi cho các xã khu vực III đã được công nhận NTM.
Vì vậy, đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể và triển khai sớm để thống nhất thực hiện đảm bảo quyền lợi của người dân và thuận lợi cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện.
12. Ông Dương Ngọc Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Liễu Đô- Lục Yên
Cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên được xây dựng năm 1991; trong quá trình sử dụng lưu lượng xe vận tải qua lại lớn, cầu xuống cấp; mặc dù đã được các cấp, các ngành nâng cấp, sửa chữa nhiều lần nhưng đến nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương. Vậy cử tri và nhân dân mong muốn Nhà nước sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới cây cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái góp phần đưa huyện Lục Yên cơ bản trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
13. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng TN và MT huyện Lục Yên
Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành của tỉnh xem xét điều chỉnh cơ chế về vốn để xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại xã Liễu Đô, huyện Lục Yên theo Đề án xử lý rác thải sinh hoạt giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Yên Bái. Xây dựng nhà máy xử lý rác xã Liễu Đô từ 100% nguồn vốn xã hội hóa sang 50% vốn nhà nước (đề nghị tỉnh hỗ trợ) và 50% vốn xã hội hóa để xây dựng nhà máy kịp thời đưa vào sử dụng để xử lý rác thải đảm bảo môi trường sống cho những hộ dân sinh sống xung quanh bãi rác và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Lục Yên.
14. Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Yên
Để có cơ sở sớm triển khai thực hiện các tiêu chí xã, thôn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đề nghị các cơ quan Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn và quy định cụ thể các tiêu chí, chỉ tiêu do bộ ngành phụ trách để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, sớm về đích nông thôn mới theo kế hoạch mà xã đã đăng ký với huyện, tỉnh.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy trình xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
15. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn
Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông; Công văn số 903/UBND-NC ngày 02/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập; Hướng dẫn số 395/HD-SNV ngày 27/5/2021 của Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái ban hành hướng dẫn triển khai bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn đã triển khai rà soát phương án bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện; kết quả rà soát tại thời điểm tháng 7/2021: Số cán bộ quản lý, giáo viên đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo quy định năm 2021 là 1.154 người (Mầm non 477 người, Tiểu học 341 người, THCS 336 người). Tuy nhiên, ngày 05/11/2021, Bộ Nội vụ có Công văn số 5555/BNV-CCVC về việc sửa đổi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chưa thực hiện việc chuyển xếp theo chuẩn chức danh nghề nghiệp mới và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Do đó đến nay, giáo viên mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn huyện vẫn chưa được chuyển xếp theo chuẩn chức danh nghề nghiệp mới.
Đề nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến với các cơ quan, đơn vị liên quan có hướng dẫn, chỉ đạo để tiếp tục triển khai thực hiện chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên theo các Thông tư 01, 02, 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.
16. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn
Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một nội dung trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo trong thời điểm hiện nay; sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình, ngành giáo dục huyện Văn Chấn đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành còn gặp một số khó khăn đó như: Thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho Chương trình lớp 2, lớp 6; Đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu do nghỉ hưu, thôi việc, do tăng quy mô chưa được bổ sung kịp thời; tỷ lệ giáo viên nghỉ chế độ thai sản cao nên việc sắp xếp, bố trí đội ngũ gặp nhiều khó khăn.
Năm học 2022-2023, theo lộ trình sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và triển khai mới đối với lớp 3 và lớp 7, trong đó, lớp 3 chương trình môn tin học là bắt buộc. Do đó, để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 năm 2022-2023 và những năm tiếp theo; đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội quan tâm có ý kiến với các cấp, các ngành có liên quan các nội dung sau:
(1) Về cơ sở vật chất: Đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất theo lộ trình để đáp ứng 100% học sinh Tiểu học được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đầu tư đồ dùng, thiết bị dạy học cho việc đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia như xây dựng phòng học bộ môn, trang bị thiết bị phòng tin học, ngoại ngữ, phòng học tiên tiến,… để giáo viên được tiếp cận với công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đặc biệt là đồ dùng thiết bị tối thiểu lớp 3, lớp 7 năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo.
(2) Về thiết bị dạy học: Hoàn thiện việc giao nhận thiết bị dạy học đối với lớp 2, lớp 6 và cấp sớm thiết bị dạy học với khối lớp 3, lớp 7 để các trường đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học. Đặc biệt quan tâm đến việc cấp bổ sung phòng học và máy tính cho việc tổ chức dạy học môn tin học.
(3) Về đội ngũ giáo viên: Bổ sung thêm đội ngũ để giảm áp lực thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học (Lý do: Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, qua rà soát đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học; toàn ngành giáo dục huyện Văn Chấn thiếu 327 người, trong đó giáo viên cấp phổ thông thiếu 174 người (113 tiểu học, 61 THCS).
17. Ông Cứ A Hồng, Giám đốc Trung tâm y tế, huyện Mù Cang Chải
- Đề nghị UBND tỉnh đầu tư kinh phí xây lại mới Trung tâm y tế huyện Mù Cang Chải để đủ điều kiện triển khai các dịch vụ kĩ thuật mới tại đơn vị nhằm đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân trong địa bàn huyện.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét sớm tuyển dụng thêm cán bộ cho Trung tâm y tế đặc biệt là Bác sĩ, Điều dưỡng, Nữ hộ sinh về công tác tại huyện và các trạm y tế xã, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp với cán bộ về công tác và đang công tác tại huyện vùng cao.
18. Ông Nguyễn Thùy Nhung, Hiệu trưởng Trường TH và THCS xã Dế Su Phình, huyện Mù Cang Chải
- Với giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cao như hiện nay. Đề nghị Chính phủ có chính sách trợ giá SGK cho học sinh hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh yếu thế.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh việc tuyển dụng giáo viên đợt 2 (năm 2021) và sớm triển khai tuyển dụng giáo viên năm 2022 để sớm bổ sung đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu; ưu tiên tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho huyện vùng cao Mù Cang Chải. Trước mắt, sớm tăng cường, biệt phái giáo viên Tiếng Anh lên hỗ trợ cho huyện Mù Cang Chải trong năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo thời gian từ 3 đến 5 năm; năm học 2022 – 2023; đề nghị tăng cường biệt phái tối thiểu 08 giáo viên Tiếng Anh lên hỗ trợ Mù Cang Chải.
19. Bà Hờ Thị Dê, Phó bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải
Trong năm 2022 giá xăng dầu, giống ngô, lúa cao, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … cao, gây khó khăn cho người dân, đề nghị: Chính phủ có giải pháp kiểm soát giá cả xăng dầu; có chính sách trợ giá cho nông dân vùng khó khăn./.