Tin Hoạt động >> Dân tộc, tôn giáo, Đối ngoại nhân dân

Chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

11/10/2021 02:30:58 Xem cỡ chữ Google
Trong những năm qua, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững của vùng DTTS. Để góp phần đẩy lùi lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, MTTQ các cấp phối hợp với các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền cho người dân nhận thức được những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống. Qua đó, Nhân dân đã dần thay đổi cách nghĩ giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm dần và xóa bỏ hủ tục này.

• Cán bộ xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải báo cáo tình hình phòng, chống tảo hôn năm 2021 với đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Theo quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì một trong các điều kiện kết hôn là nam phải từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên. Luật quy định độ tuổi kết hôn như trên dựa trên các nghiên cứu về sự phát triển của con người, vì ở độ tuổi này nam, nữ mới thực sự phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý, mới có thể thực sự trở thành những ông bố, bà mẹ, những người chủ gia đình. Luật quy định là vậy, song thời gian qua, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là  vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra.

Theo số liệu thông kê, 8 tháng năm 2021, toàn tỉnh có gần 100 trường hợp tảo hôn, trong đó: Văn Chấn 25 trường hợp, Mù Cang Chải 24 trường hợp, Trấn Yên 4 trường hợp, Văn Yên 3 trường hợp, Yên Bình 1 trường hợp, Văn Yên 2 trường hợp. Riêng huyện Trạm Tấu có 43 trường hợp có dấu hiệu vi phạm tảo hôn đang được cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng tuyên truyền, vận động. Tảo hôn không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn là rào cản đối với tương lai của các cặp vợ chồng trẻ con như: học hành dở dang, không nghề nghiệp và nhất là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi phải làm chồng, làm vợ trong lúc cơ thể còn chưa phát triển hoàn thiện. Những nghiên cứu đã cho thấy, tảo hôn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự suy giảm chất lượng dân số và cả tính mạng của trẻ sơ sinh, khi tỷ lệ các đối tượng tảo hôn sinh con nhẹ cân (dưới 2,5kg) chiếm đến 33,44%. Việc sinh con ở tuổi vị thành niên còn gặp một số rủi ro như nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai chết lưu, chết sơ sinh cao hơn. Trẻ sinh ra bởi các bà mẹ tuổi vị thành niên, có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi. Điều đáng lo nữa là những đứa trẻ có cha mẹ tảo hôn sẽ gặp nhiều rủi ro hơn, do cha mẹ tuổi vị thành niên cơ thể chưa phát triển đầy đủ nên sinh con không đạt tiêu chuẩn về nhiều hệ số đo cơ thể và về não bộ... làm suy thoái giống nòi.

Thực tế cho thấy, tảo hôn để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Đây là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của sự nghèo đói, phát triển thiếu toàn diện. Do đó, rất cần sự chung tay của toàn xã hội và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương để hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng này trong thời gian sớm nhất. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh cần có nhiều nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong công tác phòng, chống tảo hôn. Theo đó, cùng với triển khai Đề án án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2020 - 2025”, cấp ủy, chính quyền các huyện trong tỉnh nên ban hành nghị quyết lãnh đạo và đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn. Các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc cần lựa chọn nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung tuyên truyền vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên; phát huy hiệu ứng tuyên truyền của mạng xã hội Fabook, zalo; lồng ghép việc tuyên truyền tảo hôn với các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động hòa giải, hội nghị của các đoàn thể; huy động tối đa các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền qua nhiều hình thức; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng. Các trường học nên tổ chức các buổi tọa đàm, ngoại khóa giúp học sinh hiểu tác hại của tảo hôn, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình dục an toàn cho học sinh, đồng thời tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp và quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động trong nhà trường. Các ngành chức năng tăng cường các hoạt động tư vấn, triển khai nhân rộng các mô hình phòng, chống tảo hôn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo điều kiện cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống, trình độ nhận thức cho nhân dân.

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h