Tin Hoạt động >> Chính trị

Kỷ niệm 64 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2022) Khắc ghi lời Bác, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong khu vực

26/09/2022 09:16:14 Xem cỡ chữ Google
- 64 năm kể từ ngày Bác Hồ thăm Yên Bái, những lời dạy, tình cảm sâu nặng của Người đã trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đang ra sức phấn đấu quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Nhân dân huyện vùng cao Mù Cang Chải tham gia bê tông hóa đường thôn, bản.

Khắc sâu lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, ra sức thi đua, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cùng cả nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. 
 
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống anh hùng, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc vững vàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập nhiều chiến công xuất sắc, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và được Bác viết thư biểu dương khen ngợi: "... Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào các dân tộc, các đơn vị bộ đội, các lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ tỉnh Yên Bái, ngày 27/11/1965 đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 và 801 của giặc Mỹ". 
 
Phát huy truyền thống anh hùng trong lao động, sản xuất và chiến đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. 
 
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, Yên Bái đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; tập trung giải phóng tư tưởng, tích cực khơi thông những "điểm nghẽn”, đẩy mạnh sức sản xuất xã hội, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo những dấu ấn nổi bật. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa vùng thấp và vùng cao, giữa đô thị và nông thôn. 
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Yên Bái được Trung ương đánh giá là điểm sáng, luôn dẫn đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc. 
 
Đặc biệt, với quan điểm xây dựng nông thôn mới không chỉ là nâng cấp về cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại mà hơn hết phải là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất tập trung với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực như quế, sơn tra, măng tre Bát độ, lúa đặc sản, ngô, cây ăn quả, chè, dâu tằm, nguyên liệu gỗ rừng trồng, đàn trâu, bò, vùng nuôi trồng thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ. 
 
Công nghiệp có bước phát triển khá, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế, có giá trị bền vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi và có bước phát triển. 
 
Tổng sản phẩm GRDP ước đạt 9.789,96 tỷ đồng, tăng 7,57% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 6,90% của cùng kỳ, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, cao nhất trong 5 năm gần đây. 
 
Ngành du lịch có nhiều khởi sắc và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với việc hình thành và phát huy hiệu quả 4 vùng du lịch gồm: vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và Nam Trấn Yên; vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên; vùng du lịch miền Tây với một số sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc trưng, nổi trội, có sức cạnh tranh, thu hút du khách trong và ngoài nước. 
 
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội phát triển, thực hiện lời dạy của Bác: "Đồng bào phải biết thực hành tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hóa mới”, đến nay Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh đã có bước phát triển vững chắc cả về bề rộng và chiều sâu. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đảm bảo thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. 
 
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả quan trọng thông qua việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, tạo động lực để Yên Bái tiến tới mục tiêu tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. 
 
Đến nay, Yên Bái đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ chế biến và xuất khẩu. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) chế biến măng tre Bát độ. 
 
Phát huy kết quả đạt được, Đảng bộ tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả những lời căn dặn của Bác Hồ, quyết tâm thực hiện tốt ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đó là: Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh số hóa trong quản lý xã hội và phục vụ nhân dân, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 
 
 
Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy giá trị, bản sắc văn hoá, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển. 
 
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển, phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
 
NHỚ LỜI NGƯỜI MÙA THU NĂM ẤY 
 
Ông Vũ Văn Ngọc - tổ dân phố 7, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái là một trong 6 đội viên vinh dự được tặng hoa Bác Hồ cùng phái đoàn của Chính phủ trong dịp Bác Hồ thăm Yên Bái ngày 25/9/1958. Nay ông đã ở tuổi gần 80 nhưng những ký ức về lần được gặp Bác Hồ ấy vẫn vẹn nguyên không phai mờ. Dưới đây là lời kể của ông trong lần vinh dự được gặp Bác.
 
 
Ông Vũ Văn Ngọc luôn trân trọng, giữ gìn bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Yên Bái.   
 
Năm đó, tôi là học sinh trường cấp 1, có nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện. Ngày 24/9/1958, tôi được chị phụ trách thiếu niên, nhi đồng thị xã thông báo: "Sáng mai, ăn mặc gọn gàng để đi tặng hoa cho đoàn cán bộ Trung ương”. Tôi sẵn sàng tinh thần cho nhiệm vụ ngày mai và cũng không hề biết cụ thể là được vinh dự tặng hoa cho ai. 
 
Nhà tôi ngày ấy gần khu vực chợ ga của thị xã. Vô tình, chiều hôm đó, đi qua khu vực sân ga, tôi may mắn được chứng kiến giây phút Bác Hồ bước xuống sân ga từ đoàn tàu khách Lào Cai - Hà Nội. Như không tin vào mắt mình nhưng tôi dường như đoán ra mình sẽ được vinh dự nhận nhiệm vụ gì. Lòng thấy hồi hộp quá! Trở về nhà, trong lòng rất đỗi vui mừng nhưng tôi không dám kể chuyện mình vừa được nhìn thấy Bác Hồ và việc ngày mai được đi tặng hoa với gia đình, vì dù nhỏ nhưng cũng hiểu đây là thông tin cần giữ kín. 
 
Đêm đó, tôi thao thức mãi không ngủ được. Rồi đêm muộn hôm ấy, có cán bộ của Ủy ban Hành chính tới gia đình tôi thông báo là sáng mai tôi cần có mặt ở sân Căng để cùng các bạn đội viên khác tặng hoa cho Bác Hồ và đoàn cán bộ Trung ương. Vậy là cả gia đình tôi đã biết chuyện tôi được nhận một nhiệm vụ rất vinh dự. Bố mẹ tôi đều dậy sớm, chuẩn bị cho tôi bộ quần áo đẹp nhất.
 
Sáng sớm hôm sau, tôi cùng 5 đội viên khác có mặt ở sân Căng sẵn sàng chờ giây phút được thấy Bác. Tôi hồi hộp không tả hết. Tôi vẫn nhớ Lễ đài sân Căng hôm đó cũng đơn giản lắm. Sau khi Bác lên Lễ đài, 6 đội viên chúng tôi được lên tặng hoa Bác và đoàn cán bộ Chính phủ, xúc động và hạnh phúc lắm. Bạn đội viên nữ tên Hồng là người vinh dự được trực tiếp tặng hoa Bác Hồ. 
 
Buổi hôm ấy, tôi cảm nhận rõ sự giản dị, gần gũi của Người từ quần áo Người mặc, lời nói cho đến cử chỉ bảo người dân hãy ngồi xuống khi Bác nói chuyện. Và trong buổi nói chuyện hôm đó của Bác Hồ, cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ nhiều điều Bác nói như là về sự đoàn kết, về việc đồng bào phải tăng gia sản xuất để có cuộc sống được ăn no, mặc ấm. 
 
Tôi nhớ nhất là điều Bác nói về việc bà con phải tiết kiệm, việc loại bỏ những hủ tục gây lãng phí trong đám cưới, đám ma; cần phải thực hiện đời sống mới.
 
Lời Bác nói dễ hiểu lắm, Bác lấy những ví dụ rất đơn giản và thiết thực để ai cũng dễ hình dung ra. Tất cả mọi người ai nấy đều chăm chú lắng nghe từng lời Bác căn dặn. Tôi cũng còn nhớ, khi mọi người đang cùng nhau hát bài "Kết đoàn” thì Bác Hồ cùng các đồng chí trong đoàn rời khỏi Lễ đài, rồi Bác đã tặng bó hoa cho một vị linh mục. Tôi hiểu, đó là tinh thần đoàn kết tôn giáo Bác muốn truyền tải.
 
Giây phút ngắn ngủi được gặp Bác Hồ còn mãi trong tôi niềm vinh dự và xúc động cùng rất nhiều cảm nghĩ về Người. Được chứng kiến buổi nói chuyện của Người, tôi càng cảm nhận rõ được tình cảm của Người dành cho nhân dân. Phong cách Bác nói chuyện với người dân rất gần gũi, thân tình như người trong gia đình ấy. 
 
Rồi được trực tiếp gặp Bác, thấy Bác như vậy, tôi thấy rằng, tất cả thơ ca, văn chương ngợi ca về Người mà tôi biết thực sự rất đúng. Người quả thực quá đỗi giản dị, đúng là một vị lãnh tụ chỉ một lòng lo cho nhân dân, đất nước. 
 
Tôi suy nghĩ rằng, người bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn quan tâm thăm và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Yên Bái - một tỉnh nghèo và xa xôi, ấy chính là tấm lòng chăm lo cho nhân dân của vị lãnh tụ kính yêu.
 
Trưởng thành, tôi nuôi lý tưởng được phục vụ cách mạng. Rồi tôi theo sự nghiệp nhà binh, phục vụ trong lực lượng công an vũ trang và quân đội, sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong bất kỳ nhiệm vụ nào, tôi cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt để mong góp phần nhỏ bé của mình cho quê hương, đất nước. 
(Ghi theo lời kể của ông Vũ Văn Ngọc)
 
LÀM THEO BÁC - LAN TỎA NHỮNG GIÁ TRỊ TÍCH CỰC
 
Tháng Chín về, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái lại bồi hồi những xúc cảm về Bác Hồ kính yêu. Những hình ảnh thân thương, những lời chỉ bảo ân tình của Bác trong chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái cách đây 64 năm vẫn vẹn nguyên, soi sáng đường cho mỗi người dân Yên Bái. Học và làm theo Bác đã trở thành phương châm trong rèn luyện và phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. 
 
Để dù mỗi người một ngành nghề, lĩnh vực khác nhau song ở những tấm gương học và làm theo Bác đều có điểm chung, đó là thấm nhuần lời dạy của Người trong mỗi hành động, việc làm để luôn sáng tạo, ý thức vượt khó đi lên, vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển của địa phương. 
 
 
Tuyến đường "đặc thù” được hoàn thành nhờ sự tích cực vận động các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện hỗ trợ kinh phí cùng việc huy động hiệu quả sức dân của Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ (đứng giữa).  
 
Theo lời giới thiệu của Trưởng ban Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn Trịnh Xuân Thành, tôi tìm gặp Bí thư Chi bộ thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô Hờ A Trừ. Anh là một điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn trách nhiệm với công việc, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động để bà con tin, hiểu và làm theo. 30 tuổi, song đã đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn được 5 năm, trông A Trừ già dặn hơn so với tuổi. 
 
Câu chuyện với Trừ về những khó khăn, thử thách khi được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Làng Mảnh - 1 trong 2 thôn bản đi lại khó khăn nhất của huyện Văn Chấn, nơi không có sóng điện thoại, không có điện lưới mới cảm nhận một chặng đường không trải hoa hồng và những nỗ lực của chàng trai người Mông quyết tâm làm trọn trách nhiệm "Đảng cử, dân tín”. 
 
Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, anh Trừ thường xuyên sâu sát, nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của người dân trên địa bàn, luôn gương mẫu, đi đầu, tận tụy, hết mình với bà con. Nhờ vậy, đời sống của người dân đã được nâng cao, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương... 
 
Khó khăn nhất là việc đi lại, do đó, để góp phần đưa kinh tế của người dân phát triển, Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ đã tích cực vận động các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện hỗ trợ kinh phí cùng huy động hiệu quả sức dân để làm đường giao thông nội đồng và đường vào khu sản xuất. 
 
Từ sự tích cực tuyên truyền của Bí thư Chi bộ, bà con trong thôn đã hiến đất, góp nguyên vật liệu, ngày công lao động, hoàn thành 4,1 km đường nội đồng; chung tay xây dựng 2 gian nhà gỗ làm điểm trường cho các cháu mẫu giáo. A Trừ còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm dần làm lúa nương, khai phá làm ruộng nước, nuôi thêm gia súc, gia cầm, giữ rừng… 
 
Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ chia sẻ: "Làng Mảnh hiện có 44 hộ, 315 nhân khẩu, 100% dân số người là dân tộc Mông, đời sống bà con rất vất vả. Thấm nhuần lời Bác dạy, bản thân tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực hết mình vì công việc chung, luôn đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu. Để bà con tin và làm theo mình, tôi xác định mình phải là người đi đầu trong mọi hoạt động, nói phải đi đôi với làm. Tôi tin rằng, từ những đổi thay theo chiều hướng tích cực, dù là nhỏ nhất, sẽ góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để bà con cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, xây dựng thôn văn hóa”.
 
Chia tay anh Trừ, tôi đến đất bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình - nơi có đảng viên gương mẫu, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, tận tâm với công việc, đưa các phong trào của Hội Phụ nữ lan tỏa vào cuộc sống, xây dựng làng quê ngày càng khởi sắc, văn minh. 
 
Đó là chị Dương Thị Hồng Thắm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Minh. 9 năm trên cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị luôn tự nhủ phải là người gương mẫu, làm trước mới thuyết phục, vận động chị em làm theo. 
 
Chị Thắm không ngừng học hỏi, dám nghĩ, dám làm, cùng Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã và các hội viên triển khai thực hiện nhiều phong trào do Hội cấp trên và địa phương phát động. 
 
Chị Thắm chia sẻ: "Tôi học Bác ở đức tính cần, kiệm. Bởi theo tôi, đó là đức tính cơ bản, then chốt mang đến thành công. Tôi luôn vận động chị em siêng năng, chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế và tham gia góp vốn tiết kiệm, giúp nhau vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố hạnh phúc”. 
 
Với phương châm bám sát địa bàn, tập trung các hoạt động ở chi, tổ, chị đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chị em, từ đó, khơi dậy phong trào thi đua sôi nổi trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và các nhiệm vụ ở địa phương. 
 
Trong phong trào tiết kiệm 5.000 đồng/tháng, hiện đã có 690 hội viên tiết kiệm được trên 211 triệu đồng cho 37 hội viên vay vốn để mua cây con giống. Ở cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ Đại Minh đã thành lập 15 mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, trồng 6 km đoạn đường hoa. 
 
Đối với Phong trào "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi”, hàng năm, xây dựng mới từ 10 - 15 mô hình có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên. Toàn xã hiện có 245 mô hình làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 70 - 500 triệu đồng /năm. 
 
Cùng với anh Trừ, chị Thắm, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều những "bông hoa” đẹp trong "vườn hoa” thi đua yêu nước, học và làm theo lời Bác với những việc làm cụ thể, có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Họ đều là những tấm gương sáng, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào thực chất, trở thành nhu cầu, lẽ sống tự nhiên, mong muốn vươn lên, hoàn thiện chính bản thân mình, góp phần lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng để xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
 
Thông Nguyễn - Nguyễn Thanh Nga - Thanh Chi

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h