Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Trí thức Yên Bái góp tâm sức cho hạnh phúc quê hương

05/04/2023 01:47:07 Xem cỡ chữ Google
Đến năm 2022, đội ngũ trí thức của tỉnh có trên 23.000 người. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, tâm huyết và trách nhiệm cao…, đội ngũ trí thức đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.
Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2017 và đang được đề nghị tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - những tâm huyết, cống hiến với nghề của nhà giáo Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên) đã được ghi nhận. Tâm huyết với sự nghiệp trồng người, từ năm 2007 đến nay, nhà giáo Vũ Thị Hạnh đã có 15 sáng kiến được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh công nhận và 5 sáng kiến được UBND tỉnh công nhận. 
 
"Các sáng kiến của tôi đều hướng tới 3 mục đích: giúp học sinh học tập hiệu quả và linh hoạt nhất; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đại trà, giúp học sinh ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống, lao động, sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn” - nhà giáo Vũ Thị Hạnh chia sẻ. Các sáng kiến đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn của nhà trường. 
 
Những năm trước đây, Trường THPT Chu Văn An chỉ đạt trung bình 25 - 30 giải học sinh giỏi cấp tỉnh 1 năm thì năm học 2021 - 2022 đạt 53 giải; năm học 2022 - 2023 đạt 62 giải cấp tỉnh và có 2 học sinh đạt giải Nhì, giải Ba quốc gia. Riêng nhà giáo Vũ Thị Hạnh tới nay có 111 học sinh đạt giải học sinh giỏi, trong đó có 102 giải cấp tỉnh và 9 giải cấp quốc gia.  
 
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hoàng Phương Thúy, đội ngũ nữ trí thức trên địa bàn tỉnh có những đóng góp không nhỏ trên nhiều lĩnh vực cho sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, nữ trí thức đã đóng góp tích cực trong công tác tham mưu, góp ý, trong các hoạt động tư vấn, phản biện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương nói chung và của tỉnh nói riêng.
 
"Ngay tại cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh, đội ngũ nữ trí thức luôn phát huy trí tuệ và tâm huyết để cùng tập thể Ban Thường vụ Hội chủ động có những tham mưu, đóng góp ý kiến với tỉnh trong thực hiện chủ trương, chính sách, đề án, chương trình và những định hướng lớn của tỉnh, nhất là trong nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Hội LHPN tỉnh đã tham mưu xây dựng những chi hội phụ nữ hạnh phúc, tổ phụ nữ hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc để góp phần thực hiện chỉ số hạnh phúc. Cán bộ Hội phụ nữ các cấp có nhiều sáng kiến trong việc tập hợp, thu hút hội viên tham gia các mô hình, câu lạc bộ đó…” - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hoàng Phương Thúy cho hay.
 
 Việc tham góp, tư vấn, phản biện xã hội của các tầng lớp phụ nữ, nhất là nữ trí thức được bắt đầu ngay từ cấp cơ sở, qua đó đóng góp chính kiến, quan điểm lồng ghép thể hiện yếu tố giới vào các đề án, dự án, kế hoạch… dự kiến sẽ được ban hành trong các kỳ họp của HĐND, trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… 
 
"Với trách nhiệm và tâm huyết của mình, chúng tôi mong rằng tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù để nữ trí thức tiếp tục khẳng định vai trò của mình và góp sức cho sự phát triển của tỉnh” - bà Hoàng Phương Thúy bày tỏ.
 
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Quang (bên phải) giới thiệu về mô hình Di tích khảo cổ học Hắc Y (Tân Lĩnh, Lục Yên) tại Bảo tàng Yên Bái. 
 
Phát huy nhiệt huyết và sự sáng tạo của tuổi trẻ, đội ngũ trí thức trẻ của tỉnh cũng đã và đang không ngừng nỗ lực học tập, lao động sáng tạo để khẳng định được mình và cống hiến trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. 
 
Là một giảng viên trẻ của Trường Chính trị tỉnh, giảng viên Nguyễn Thị Mai - Khoa Nhà nước và Pháp luật, luôn ý thức được rằng sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ giảng viên góp phần quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...; sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, do đó sự ảnh hưởng, tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đến đời sống nhân dân vô cùng to lớn. 
 
"Bởi vậy, bản thân tôi luôn không ngừng tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực, áp dụng các phương pháp mới trong giảng dạy, cập nhật các nghị quyết của Đảng vào các bài giảng… và nỗ lực nghiên cứu khoa học, xây dựng sáng kiến kinh nghiệm để mỗi bài giảng, mỗi bài viết, mỗi công trình nghiên cứu không chỉ là những lời tuyên truyền cổ vũ mang tính học thuật, khó hiểu mà trở thành những luận cứ khoa học, mang hơi thở sinh động của đời sống thực tế”. 
 
Nguyễn Thị Mai cũng là một trong gần 1.600 hội viên của Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh Yên Bái - ngôi nhà chung thu hút, tập hợp, phát huy trí tuệ tuổi trẻ để đóng góp trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham mưu xây dựng định hướng, hoạch định các chính sách xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
 
Với những trí thức công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, việc phát huy trí tuệ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống càng hiện hữu rõ nét. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, Thông tin khoa học và Công nghệ (Sở khoa học và Công nghệ) Trần Ngọc Thư với niềm đam mê khoa học chưa bao giờ vơi cạn đã trực tiếp thực hiện và chủ trì, chỉ đạo triển khai thành công nhiều nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Trước đây là nhiều thành công trong nuôi trồng thủy sản; những năm gần đây là thành công với những đề tài như "Nghiên cứu tính thích ứng của giống na nhập nội tại huyện Văn Chấn”; "Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của cây sơn tra ghép giai đoạn kiến thiết cơ bản tại huyện Mù Cang Chải”… đều là những đề tài có tính ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Thạc sĩ nông nghiệp Trần Ngọc Thư chia sẻ: "Niềm đam mê với khoa học luôn thôi thúc tôi tìm tòi, sáng tạo để có thể phát huy được nhiều tiềm năng, thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp còn bỏ ngỏ của tỉnh nhà; đặc biệt là mang tiến bộ của khoa học, công nghệ đến với bà con vùng dân tộc thiểu số, giúp họ có được hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất, đời sống”.
 
Không chỉ trong quá trình công tác mà ngay cả khi đã hưu trí, nhiều trí thức của tỉnh vẫn mang tri thức, kinh nghiệm tích lũy được hòa vào tinh thần trách nhiệm với quê hương. Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Quang  - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái trong suốt gần 30 năm công tác tại Bảo tàng tỉnh luôn là người nhiều trăn trở, nhiệt huyết, công sức lớn trong việc nhiều di tích trên địa bàn tỉnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia, từ Lễ đài Sân vận động thị xã Yên Bái - Di tích cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh cho đến các di tích như: Chiến khu Vần, Căng và Đồn Nghĩa Lộ, hồ Thác Bà, Hắc Y, đền Nhược Sơn và ruộng bậc thang Mù Cang Chải. 
 
"Sự kỳ vĩ của ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính là kết tinh giá trị của sức lao động, sáng tạo, văn hóa trong lao động sản xuất của đồng bào Mông nơi đây. Nỗ lực để ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng chính là mong muốn một dấu ấn, một đặc trưng của Yên Bái được ghi nhận để những giá trị của ruộng bậc thang Mù Cang Chải được khai thác, phát huy, phục vụ cuộc sống” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang chia sẻ. 
 
Từ năm 2005, với vai trò là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang luôn tích cực tham gia các hội nghị góp ý kiến về nhiều lĩnh vực; chủ trì, biên soạn các tập tài liệu "Yên Bái xưa và nay”; chủ trì tổ chức nhiều hội thảo khoa học về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử địa phương; cố vấn chuyên môn xây dựng Nhà Bảo tàng, các cuộc khai quật khảo cổ học, đặt tên đường phố ở trung tâm thành phố Yên Bái và nhiều huyện thị khác, xây dựng lý lịch các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh…
 
Trong 5 năm qua, trí thức tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện 367 đề tài, dự án khoa học, trong đó 231 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 86 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 13 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; 21 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khác; hàng trăm sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn, cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất. Vai trò, vị trí, những đóng góp của đội ngũ trí thức của tỉnh đã và đang ngày càng được khẳng định, góp phần to lớn trong sự phát triển của tỉnh theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. 
Thu Hạnh

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h