Tin Hoạt động >> Xây dựng Đảng, chính quyền

“Dân vận khéo” góp phần vì một Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”

25/07/2023 02:36:07 Xem cỡ chữ Google
- Nhờ "Dân vận khéo", tỉnh Yên Bái đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân để thực hiện các công việc cụ thể, có địa chỉ, sản phẩm rõ ràng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa giá trị tinh thần tốt đẹp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì một Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Yên Bái đã kích hoạt và huy động được nguồn lực trong nhân dân hình thành thêm những tuyến đường hạnh phúc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ... Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng... Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Học tập và làm theo tư tưởng của Bác Hồ về Dân vận khéo, trong đó, nhờ khéo tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã khơi dậy được ý thức, trách nhiệm công dân, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận trong quần chúng nhân dân để người dân tự giác chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đặc biệt, đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân để thực hiện các công việc cụ thể, có địa chỉ, sản phẩm rõ ràng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa giá trị tinh thần tốt đẹp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì một Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

 

13.491 hộ dân tham gia hiến đất, hoa màu, công trình xây dựng trên đất với tổng diện tích đất hiến gần 1.874.000 m2, tổng giá trị quy đổi 623,3 tỷ đồng là kết quả phong trào nhân dân tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật tư, công trình trên đất phục vụ triển khai thực hiện công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đến nay.

Đằng sau con số thống kê là những câu chuyện sinh động, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chạm đến trái tim của mỗi chúng ta về trách nhiệm công dân, tình cảm của người dân đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.

Quyết định hiến đất và những tài sản có giá trị là điều không dễ đối với bất cứ gia đình hay cá nhân nào. Bởi mỗi mét đất, mỗi hàng cây, mỗi mảnh ruộng, mỗi công trình, mỗi vật kiến trúc có được đều phải trải qua quá trình lao động, tích lũy, từ những giọt mồ hôi, thậm chí từ sự khó nhọc và nước mắt của người dân... Tất cả là tài sản quý giá mà ông bà cha mẹ để lại cho con cháu. Nhưng với tinh thần trách nhiệm và tình yêu quê hương sâu sắc, tất cả vì lợi ích chung mà không lo thiệt về mình, hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào, đồng thuận, phấn khởi tự tay mình dỡ tường rào, giải phóng cây cối, hiến đất mở đường với mong muốn được góp phần công sức của chính mình xây dựng quê hương.

 

Sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn của người dân đã vượt ra ngoài việc hiến đất làm đường, trở thành biểu tượng, hình ảnh tốt đẹp trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, thể hiện rõ vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Đó còn thể hiện nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở trong công tác dân vận khéo và tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào hiến đất giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện triển khai, hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh nguồn lực kinh tế của tỉnh ta còn nhiều khó khăn, với việc nhân dân tự giác, tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc trên đất mà không đòi hỏi đền bù, đã cắt giảm được chi phí giải phóng mặt bằng; giảm bớt được rất nhiều trình tự, thủ tục khi tiến hành đầu tư dự án.

Các phong trào “hiến đất mở đường”, “dịch rào hiến đất”, những con đường “giải tỏa 0 đồng”, những công trình của “ý Đảng - lòng dân”, những tuyến đường được 100% hộ dân đồng thuận hiến đất mở rộng... đã trở thành biểu tượng tốt đẹp, lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương trong tỉnh, giúp cho việc phát triển hệ thống giao thông của Yên Bái thời gian qua được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, tạo đà cho Yên Bái tiếp tục vững bước phát triển đi lên. Những mô hình kiểu mẫu, điểm sáng trong công tác dân vận khéo, tuyên truyền, vận động nhân dân, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đã làm khăng khít, bền chặt hơn mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hoàn thiện hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong những địa phương đi đầu, nổi bật, điểm sáng trong công tác dân vận khéo, nhiều năm qua, huyện Lục Yên đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực trong dân, tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào hiến đất giải phóng mặt bằng tạo điều kiện triển khai, hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2020 đến nay, các địa phương trong toàn huyện đã triển khai thực hiện 133 dự án mở mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp làm đường giao thông nông thôn với tổng số 4.527 hộ gia đình tự nguyện hiến 556.328 m2 đất, 25.821 công trình, vật kiến trúc trên đất, 160.392 cây cối, ước tổng giá trị quy đổi gần 214 tỷ đồng.

Ở Lục Yên, có những gia đình đã hiến đất hàng ngàn m2 đất và nhiều tài sản giá trị lớn, điều mà không dễ mấy ai làm được. Tiêu biểu là: Ở thị trấn Yên Thế có ông Phạm Quốc Hải, bà Lê Thị Chào, ông Phạm Quang Thường, bà Nguyễn Thị Lan, Bà Trần Thị Nghĩ, mỗi gia đình đã hiến đất, vật kiến trúc, cây cối làm đường giao thông nông thôn, trị giá hàng trăm triệu đồng/1 hộ. Ở xã Trung Tâm có ông Bàn Văn Câu hiến 4.200m2, ông Nông Đình Chương hiến hơn 2.000m2 đất. Ông Nông Văn Bao (xã Minh Xuân) hiến 1.000m2; ông Trần Trọng Phúc (xã Phúc Lợi) hiến 5.000m2; ông Phan Quốc Trưởng (xã Mường Lai) hiến hơn 1.000m2; ông Hoàng Văn Anh (xã Yên Thắng) hiến gần 1.000m2; bà Nguyễn Thị Bén (xã Minh Chuẩn) hiến gần 1.500m2; ông Hoàng Văn Huệ (xã Vĩnh Lạc) hiến hơn 1.000m2; các ông/bà Đặng Văn Lợi, Đặng Văn Cao, Phan Tiến Dũng, Hoàng Trung Cấp, xã Phan Thanh; Đào Ngọc Huệ, Lê Văn Tính, Nguyễn Thị Nhì (xã Tân Lập), mỗi hộ đều hiến hơn hàng ngàn m2 đất với nhiều cây cối, hoa màu, ngày công...

Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào hiến đất, hiến cây cối, vật kiến trúc giải phóng mặt bằng xây dựng nông thôn mới. Các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức hiệu quả “Ngày cùng dân”, huy động được 28.226 ngày công lao động thực hiện việc giải phóng mặt bằng, mở rộng các tuyến đường liên xã, liên thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn.

 

Tại Lễ tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu hiến đất, cây cối, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lục Yên (ngày 18/11/2021), ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã rất trân trọng khi nhắc đến việc người dân tự giác, tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc trên đất mà không đòi hỏi đền bù: “Tôi rất cảm động khi được biết, qua công tác tuyên truyền, người dân đã thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình, việc tham gia phong trào hiến đất trở thành tự nguyện, thậm chí, nhiều gia đình đã làm đơn xin được hiến đất mở rộng đường. Khi được thông báo về chủ trương xây dựng, toàn thể các hộ dân có đất thuộc phạm vi tuyến đường đi qua đã đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương của tỉnh, của huyện, tự nguyện hiến đất, thu dọn cây cối, hoa màu, vật kiến trúc mà không đòi hỏi đền bù của Nhà nước để tạo thuận lợi nhất cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công công trình. Trong số những gia đình tham gia hiến tặng đất đai, cây cối... có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, thu nhập thấp nhưng vẫn sẵn sàng, hăng hái, tự nguyện, trở thành những nhân tố tích cực trong phong trào của thôn, của xã...”.

 

 

 

Các địa phương trong tỉnh đã có rất nhiều cố gắng nỗ lực, nhiều cách làm sáng tạo nhằm đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là lấy người dân làm trung tâm, phát huy tối đa nội lực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp. Những đóng góp của nhân dân đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 66%; có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 03/09 đơn vị đạt nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc với phương châm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ thể của người nông dân trong việc đóng góp trí tuệ, công sức, vật lực trong xây dựng nông thôn mới.

 

Trên mảnh đất cửa ngõ miền Tây Bắc thân thương này, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, sự chung tay, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đã “kích hoạt”, huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân, góp phần quan trọng làm cho cuộc sống ngày càng đơm hoa thơm ngát, kết trái ngọt lành vì một Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”./.

Hồng ThanhTâm - Thanh Bình

 

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h