Đổi mới công tác dân vận theo hướng thực chất, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ cụ thể, lấy người dân làm trung tâm phục vụ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, đồng thời xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực để đạt được mục tiêu đề ra. Đối với lĩnh vực công tác dân vận, Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, xuyên suốt cả nhiệm kỳ là “Đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân”.
Để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng như các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về công tác dân vận, Tỉnh uỷ Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành đầy đủ, kịp thời và tổ chức thực hiện các văn bản về công tác dân vận của hệ thống chính trị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã ban hành trên 630 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác dân vận, đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TU ngày 10/12/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.
Công tác dân vận tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và phương thức thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng luôn coi trọng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; chủ động tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 265 hội nghị đối thoại trực tiếp, kết hợp trực tuyến giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với các tầng lớp Nhân dân, bao gồm 16 hội nghị cấp tỉnh, 83 hội nghị cấp huyện, 166 hội nghị cấp xã. Riêng trong năm 2023, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức 06 cuộc đối thoại trực tiếp, kết hợp trực tuyến với gần 3.000 cán bộ, viên chức ngành y tế; hội viên phụ nữ, nông dân; đoàn viên thanh niên; công nhân viên chức, người lao động; đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trong toàn tỉnh. Các hội nghị đối thoại đã trở thành diễn đàn dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, giải đáp và giải quyết các vấn đề thiết thực mà người đối thoại quan tâm, trong đó có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc được giải quyết “nhanh, đúng, trúng, thỏa đáng”.
Ảnh 1: Lãnh đạo tỉnh Yên Bái đối thoại với hội viên các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái năm 2023
Không triển khai một cách dàn trải, mà tập trung vào những việc làm cụ thể, bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương để tạo chuyển biến rõ nét là điểm nhấn trong công tác dân vận chính quyền của tỉnh Yên Bái thời gian qua. Qua đó, đã giúp cho kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tiếp tục được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được cải thiện rõ rệt. Năm 2022, Yên Bái xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính (tăng 10 bậc so với năm 2020); xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (tăng 8 bậc so với năm 2020).
Lan toả mạnh mẽ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua tỉnh Yên Bái đã phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 4.936 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; trong đó: phát triển kinh tế có 1.608 mô hình, văn hoá - xã hội có 2.090 mô hình, quốc phòng - an ninh có 571 mô hình, xây dựng hệ thống chính trị có 423 mô hình, xây dựng nông thôn mới có 244 mô hình. Đã bình xét, lựa chọn được 465 mô hình “Dân vận khéo” điển hình, tiêu biểu (trong đó có 105 mô hình cấp tỉnh) để biểu dương, khen thưởng và phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng.
Đặc biệt, với việc ban hành và chỉ đạo thực hiện Đề án số 13-ĐA/TU ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã thúc đẩy phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng thực chất, thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, có tính bền vững và sức lan tỏa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo phương châm “trọng dân, gần dân, lắng nghe dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đối với công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng; tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Ảnh 2: Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030
Tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của Nhân dân
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận tại cơ quan, đơn vị, địa phương là phải tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ trong Nhân dân. Xác định lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính, khắc phục lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh hành chính; các lực lượng dân vận ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh thường xuyên đi sâu đi sát, tiếp xúc với Nhân dân để nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, hoạt động theo phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”...
Một trong những điểm nổi bật trong nửa đầu nhiệm kỳ qua là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Quy định số 16-QĐ/TU về thực hiện văn hóa, đạo đức trong đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh; Quy định số 09-QĐ/TU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TU về việc bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; Kế hoạch số 48-KH/TU về việc thực hiện chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có trên 7.100 lượt Bí thư, Phó bí thư, cấp ủy viên các cấp dự sinh hoạt tại các chi bộ khu dân cư, trực tiếp tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, tạo khí thế thi đua lao động sôi nổi với tinh thần tự nguyện, tự giác cao của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, có sức lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời, góp phần tích cực xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, tăng cường gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Ảnh 3: Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tham gia ngày cuối tuần cùng dân tại xã Bản Mù huyện Trạm Tấu
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hơn 13.940 hộ gia đình tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật tư, công trình trên đất phục vụ triển khai 461 dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích hiến đất là 1,8 triệu m2 và nhiều tài sản giá trị khác, giá trị quy đổi ước tính khoảng hơn 623 tỷ đồng. Các phong trào dịch rào hiến đất làm đường, xây dựng công trình công cộng (trường học, nhà văn hóa..) đã trở thành các hoạt động ý nghĩa và có sức lan tỏa sâu rộng, qua đó huy động được nguồn lực lớn trong dân tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Chú trọng công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Là tỉnh miền núi với hơn 30 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 57,4% dân số, có 2 huyện vùng cao (Trạm Tấu và Mù Cang Chải) nằm trong số các huyện nghèo đặc biệt khó khăn (30a) của cả nước - nơi có trên 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Yên Bái luôn đặc biệt chú trọng công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân chính là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ưu tiên cân đối, bố trí nguồn lực để lồng ghép đầu tư phát triển kinh tế - xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã quan tâm bố trí 12.102 tỷ đồng đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước hợp vệ sinh, đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, y tế,…
Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng cao của tỉnh tiếp tục có bước phát triển tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng cao được cải thiện rõ rệt; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ; người dân đã biết phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh để phát triển kinh tế du lịch; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong nừa nhiệm kỳ, đã có 13 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ giảm hộ nghèo tại các huyện 30a đạt bình quân 7,66%, vượt 2,66% mục tiêu Trung ương giao, trong đó đã có hàng trăm hộ nghèo dân tộc thiểu số chủ động viết đơn xin thoát nghèo.
Với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều cách làm đa dạng, phong phú như: tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ.
Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân vận, công tác dân tộc các cấp. Chú trọng đổi mới phương thức hoạt động công tác dân vận, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận…
Công tác dân vận góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh
Điểm nổi bật, sáng tạo trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tại Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ này là việc ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm theo phương châm “Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” đối với từng đảng bộ trực thuộc, các ban, sở, ngành, đoàn thể với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu tiến độ, sản phẩm đầu ra rõ ràng; cuối năm có chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân người đứng đầu đạt thành tích xuất sắc. Qua đó, đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, tinh thần thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, dự ước có 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, năm 2022 đạt 8,62% - mức cao nhất kể từ năm 2015, bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 7,86% - đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục là điểm sáng của khu vực Tây Bắc, đến nay đã có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 66% tổng số xã toàn tỉnh (trong đó có 33 xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao), có 3/9 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Văn hoá - xã hội được quan tâm chăm lo và có bước phát triển toàn diện; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường.
Là địa phương đầu tiên của cả nước đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, xác định triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, coi việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của địa phương. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành kế hoạch và lãnh đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; xuất hiện nhiều mô hình và phong trào thi đua sôi nổi như xây dựng cơ quan hạnh phúc, trường học hạnh phúc, khu dân cư hạnh phúc... Đến hết năm 2022, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 62,57%, tăng 9,27% so với đầu nhiệm kỳ, vượt mục tiêu Nghị quyết, đạt mức 2 - Khá hạnh phúc.
Những kết quả đó là minh chứng cụ thể cho những quyết sách mang tính sáng tạo và đột phá của tỉnh Yên Bái trong nửa nhiệm kỳ qua, trong đó có sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, gắn với tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh.
Sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức trong công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái đã góp phần quan trọng không chỉ giải quyết được nhiều vấn đề nóng phát sinh từ cơ sở như giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, khai thác khoáng sản, công tác dân tộc, tôn giáo hay những vấn đề mới, vấn đề khó như xây dựng chỉ số hạnh phúc, mà còn đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với những chủ trương đúng, chính sách phù hợp, giải pháp sáng tạo, linh hoạt, vì mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, Yên Bái đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân để tiếp tục vững bước trên con đường phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.