Tin Hoạt động >> Chính trị

Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng ở Văn Chấn - Bài 2: Phát huy vai trò nêu gương

22/02/2024 01:49:10 Xem cỡ chữ Google
Rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là giải pháp thiết thực được Huyện ủy Văn Chấn triển khai thời gian qua nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đảng viên Hờ A Trừ sinh năm 1992 là tấm gương sáng trong sự phát triển của thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn. Kết nạp vào Đảng từ năm 20 tuổi, anh Trừ đã đồng hành cùng những khó khăn của bà con trong thôn và cùng vươn lên từ nghèo đói. Trước đây, gia đình anh Trừ là một trong những hộ nghèo nhất thôn. 
 
Sau khi tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, Hờ A Trừ được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Làng Mảnh từ năm 2018. Đối mặt với những khó khăn, vất vả của người dân, A Trừ xác định phải có những thay đổi mang tính đột phá để Làng Mảnh phát triển. Điều này, bao gồm việc cải thiện giao thông, giáo dục và loại bỏ những hủ tục.
 
 
Nghĩ là làm, Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ quyết tâm vận động nhân dân mở rộng đường vào thôn. Trong 2 năm (2018, 2019), Chi bộ đã huy động nhân dân mở mới hơn 8 km đường đất để phục vụ giao thông. Ngoài ra, Bí thư A Trừ luôn quan tâm tìm giải pháp để xóa đói, giảm nghèo bền vững, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Chi bộ. Vì vậy, Chi bộ luôn xây dựng được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, sát với thực tế và người dân. Mọi chủ trương đều được bàn bạc, thảo luận cùng đồng thuận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên nêu gương làm trước và rút kinh nghiệm trong phụ trách, giúp đỡ từng hộ cùng làm theo.
 
Cùng đó, anh kiên trì định hướng, vận động nhân dân không du canh, du cư, phát rừng làm nương, hướng dẫn khai hoang ruộng nước, kỹ thuật canh tác, mua giống cây, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy, nhiều hộ trước đây rất khó khăn giờ đã thoát nghèo, trở thành hộ khá trong xã Sùng Đô như hộ anh Giàng A Cha (sinh năm 1984), khai hoang được gần 2.000 m2 ruộng nước, trồng được 1 ha chè, 1,5 ha cây sa nhân, 1 ha cây thảo quả, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng; hộ ông Giàng Rủ Câu hiện nay có 5 con trâu, 2.000 m2 ruộng nước, gần 5.000 m2 cây thảo quả, đã làm được nhà ở khang trang... 
 
Từ đó, góp phần giảm số hộ nghèo từ 41 hộ xuống còn 34 hộ trong năm 2023. Hiện nay, Chi bộ Làng Mảnh có 16 đảng viên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức, trách nhiệm, không có đảng viên vi phạm pháp luật và vi phạm những điều đảng viên không được làm. Các hội, đoàn thể trong thôn hoạt động tích cực, tập hợp, thu hút sự ủng hộ, tham gia của đông đảo nhân dân.
 
Ngoài những đảng viên trẻ đang dần khẳng định mình thì những đảng viên cao tuổi vẫn là những người gương mẫu, có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng. Trên đỉnh Khau Thán, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn có 34 hộ với 252 nhân khẩu người Mông sinh sống. Do còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ, nên đời sống người dân vẫn vô cùng khó khăn.
 
Trưởng thôn Nước Nóng Hoàng Văn Yếng cho biết: "Khau Thán có 34 hộ thì có đến 28 hộ nghèo. Cái nghèo ở Khau Thán có nhiều nguyên nhân: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là còn tồn tại nhiều hủ tục…”. 
 
Được biết, mùa đông ở Khau Thán rất lạnh và kéo dài 3 tháng và thường xuyên có băng giá; việc canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm. Do vậy, hơn chục héc - ta lúa nước người dân chỉ canh tác được 1 vụ và đủ lương thực cho 1/2 thôn. Phần lớn người dân ít có cơ hội được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, dẫn đến việc chăn nuôi vốn là thế mạnh nhưng lại khó phát triển và năm nào cũng có dịch bệnh.
 
Bên cạnh những hạn chế về khoa học, kỹ thuật, những hủ tục chưa được xóa bỏ triệt để khiến cho cuộc sống của người dân vốn đói nghèo lại càng khó khăn hơn khi nhà có việc cưới, việc tang. Trong đó, đám tang ở Khau Thán thường kéo dài 3 ngày; người đến viếng thường mang theo lợn, gà và chủ nhà sẽ mổ chia một phần cho người mang đến. Vì thế, sau mỗi đám tang, số lượng gia súc bị giết mổ khá lớn làm ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế gia đình. 
 
Mặc dù điều kiện tự nhiên ở Khau Thán tuy khắc nghiệt, nhưng một số loại gia súc vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Trưởng thôn Hoàng Văn Yếng là người đi đầu trong việc phát triển chăn nuôi đại gia súc từ năm 1996 với mô hình nuôi bò, khi nhận thấy có nhiều bãi chăn thả cỏ mọc tự nhiên, tươi tốt. Do không có thời gian chăn dắt, ông Yếng mỗi ngày chỉ đem muối lên cho bò ăn, tránh việc bò đi ăn xa không tìm về được. Đàn bò của ông Yếng được làm quen với môi trường tự nhiên có sức đề kháng tốt. Đến nay, đàn bò của ông có trên 50 con. 
 
Học tập ông Yếng, nhiều người dân Khau Thán bắt đầu chăn nuôi trâu, bò; trong đó, đảng viên Lý A Chư có 7 con trâu, một đàn lợn nái; bà Thào Thị Mú có 8 con trâu, bò và hơn 100 gốc đào rừng. Đến nay, 34 hộ ở Khau Thán nhà nào cũng có 1 - 2 con trâu, bò. Đặc biệt, vừa qua tuyến đường hơn 3 km lên đỉnh Khau Thán đã được bê tông hóa, mở ra cơ hội mới phát triển kinh tế, du lịch và hứa hẹn làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trong tương lai không xa. 
 
Ở những thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế; do vậy, mỗi việc làm, hành động, lời nói của đảng viên luôn là hình mẫu để bà con noi theo và học tập. Chi bộ thôn Giàng Pằng có 20 đảng viên, cả thôn có 89 hộ, 406 nhân khẩu đều là người Mông, đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp; trong đó, cây chè Shan tuyết là nguồn sinh kế chủ yếu. 
 
Theo Bí thư Chi bộ Vàng A Tủa thì Giàng Pằng hiện có hơn 30 ha chè Shan tuyết cổ thụ, tập trung ở thôn Giàng Pằng và một phần ở thôn Làng Mảnh. Do vậy, công tác bảo tồn, chăm sóc cây chè luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các đảng viên để vận động nhân dân làm theo. 
 
Gia đình đảng viên Giàng A Chang được giao quản lý 1 ha trong tổng số 30 ha chè của thôn, mỗi năm 3 vụ chè, ông Chang thu về khoảng 2 tấn chè búp tươi, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập ổn định 40 triệu đồng. 
 
Nhận thức được giá trị kinh tế đó, sau mỗi lứa thu hoạch, ông lại tập trung chăm sóc, phòng trừ mối xông cây và trồng dặm để bảo vệ và phát triển các diện tích chè của gia đình. Cùng với chè Shan tuyết cổ thụ, Giàng Pằng còn có khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa dân tộc Mông, nên được xác định là một trong những định hướng phát triển kinh tế của xã Sùng Đô những năm tới. 
 
Thực tế ở Giàng Pằng và các địa phương đã chứng minh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tiếp tục được coi trọng và nâng tầm thành bước tiến quan trọng, đột phá trong nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện Văn Chấn cần thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi người; chức vụ càng cao càng phải nêu gương mẫu mực, tạo sự lan tỏa từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đối Đảng trong tình hình mới.
 
Anh Dũng
 

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h