Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

MTTQ các cấp: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

08/09/2021 02:30:38 Xem cỡ chữ Google
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Nghị quyết số 09-NQ/TW) cùng với cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Yên Bái ngày càng lớn mạnh không ngừng và khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến hết năm 2020, Yên Bái có trên 2.400 doanh nghiệp, (trong đó có trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 5,4 triệu đồng/người/tháng). Năm 2020, các doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước trên 1.250 tỷ đồng, chiếm 62% tổng thu cân đối trên toàn tỉnh, tăng 79 tỷ đồng so với năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng chống dịch Covid-19

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Tỉnh ủy Yên Bái và các văn bản Hướng dẫn của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam,…Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết trong hệ thống MTTQ các cấp và tổ chức tới 100% cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan học tập và cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy vào Chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm.

Sau 10 triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị, Ủy ban MTTQ Việt Nam thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền đến các đoàn viên, hội viên là các doanh nhân trong các doanh nghiệp thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về doanh nhân và doanh nghiệp, việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các nội dung cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phát động, đã góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều của cải cho xã hội; tôn vinh sự cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp của doanh nhân; nâng cao trách nhiệm của doanh nhân đối với cộng đồng xã hội, kết quả đạt được cụ thể như sau:

Công tác vận động các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia phát triển kinh tế- xã hội thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước

Những năm qua, cùng với cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Yên Bái ngày càng lớn mạnh không ngừng và khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến hết năm 2020, Yên Bái có trên 2.400 doanh nghiệp, (trong đó có trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 5,4 triệu đồng/người/tháng). Năm 2020, các doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước trên 1.250 tỷ đồng, chiếm 62% tổng thu cân đối trên toàn tỉnh, tăng 79 tỷ đồng so với năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cộng đồng các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm tham gia cuộc vận động, các doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu chuyển hướng sản xuất, không ngừng đổi mới trong công tác quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất và chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Thời gian qua, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Yên Bái đạt kết quả tích cực, nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Yên Bái có 83 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao. Một số sản phẩm có tiếng và được tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị lớn trong cả nước như miến đao Giới Phiên, chè shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Bảo Hưng, bưởi Đại Minh, Yên Bình, Tinh dầu quế Văn Yên... Sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã giúp các doanh nghiệp, người dân sản xuất theo hình thức liên kết, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về vị thế, thương hiệu và uy tín trên thị trường,  đóng góp hiệu quả vào các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương  (tiêu biểu như:  Công ty Cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn; Công ty TNHH Tổng Công ty Hòa Bình Minh; Công ty Cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát; Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái; Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà; Công ty Xăng dầu Yên Bái; Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam,…).

Bên cạnh kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn còn luôn đồng hành với chính quyền tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, công tác đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội do MTTQ, các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức phát động, kêu gọi. Qua 10 năm vận động, quỹ người nghèo các cấp đã huy động được sự ủng hộ của các doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh được trên 100 tỷ đồng để giúp làm nhà cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, góp phần cùng với tỉnh thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm của tỉnh từ 4 - 5%, giảm từ 32,53% (năm 2011) xuống còn 7,04% năm 2020.

Kết quả công tác phối hợp tham gia xây dựng văn bản, cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi  cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phối hợp tốt với HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành trong tỉnh trong việc tham gia xây dựng các văn bản, cơ chế, chính sách của tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2011- 2020 đã tham gia góp ý vào 56 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định, Đề án của UBND tỉnh về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản; Hỗ trợ thủ tục hành chính; Hỗ trợ tài chính, tín dụng; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ đổi mới công nghệ; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Các nội dung hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật hiện hành…

MTTQ và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành  làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị đối thoại với các hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, qua sóng phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử... Đồng thời, cung cấp kịp thời, công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, quy hoạch, dịch vụ phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các doanh nghiệp.

  Công tác giám sát, phản biện về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị

Giai đoạn 2011-2020, MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức 393 cuộc giám sát gắn với việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (trong đó, cấp tỉnh giám sát: 25 cuộc; cấp huyện: 48 cuộc; cấp xã: 320 cuộc) liên quan đến các chính sách phát triển doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh; Giám sát thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật; thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, thực hiện an toàn vệ sinh lao động; giám sát cách thức chọn mẫu, lập danh sách và kết quả điều tra chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; giám sát việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”; giám sát thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Trong công tác phản biện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với một số dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh, dự thảo đề án chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đề án phát triển kinh tế -  xã hội của UBND tỉnh; tổ chức tham gia đóng góp ý kiến bằng hình thức gửi văn bản lấy ý kiến tham gia đối với trên 100 dự thảo các chương trình, nghị quyết, đề án của Trung ương và của tỉnh. Qua giám sát, phản biện đã tổng hợp những đề xuất, kiến nghị các cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung chỉnh sửa hoàn thiện nội dung báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách  hỗ trợ có liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.

Kết quả việc tạo điều kiện cho các doanh nhân là ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp

MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh luôn đổi mới về nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, để phát huy dân chủ và tạo điều kiện cho các vị ủy viên Ủy ban MTTQ phát huy vai trò, trách nhiệm trong đó có các vị ủy viên ủy ban là đại diện doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh. Chế độ thông tin báo cáo giữa MTTQ với các Ủy viên Ủy ban được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hằng tháng, quý qua việc nắm tình hình nhân dân, kết quả hoạt động, ý kiến, kiến nghị của ủy viên ủy ban trên các lĩnh vực gửi tới MTTQ các cấp để tổng hợp vào kết quả công tác Mặt trận, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND các cấp. Đồng thời tại các Hội nghị Ủy ban MTTQ các vị Ủy viên được thảo luận, phát biểu ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng liên quan đến thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kiến nghị đề xuất Đảng, Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội; xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập kinh tế quốc tế./.

Việt Phương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h