Hoạt động của huyện, thành, thị và cơ sở >> Phong trào

Yên Bái phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP

28/11/2024 10:35:45 Xem cỡ chữ Google
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 248 sản phẩm OCOP còn hiệu lực; trong đó, có 223 sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị thế trên thị trường và có mặt ở các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị; trong đó, chủ thể là các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Đến nay, Chương trình đã, đang phát huy hiệu quả, góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
 
Là HTX đi đầu trong phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, những năm qua, HTX Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại từ nhà xưởng, kho đông lạnh, máy hấp, máy hút chân không…, mà HTX còn chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đến nay, HTX đã xây dựng được 5 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao gồm: cá mương sấy, cá rô lọc xương sấy, lạp xưởng, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy. 
 
Bà Đồng Thị Hiền - Giám đốc HTX cho biết: "Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi chú trọng xây dựng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, trên mỗi sản phẩm đều có mã vạch, QR-Code và đầy đủ thông tin, hạn sử dụng để khách hàng yên tâm khi lựa chọn. Qua đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”. 
 
HTX Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ ở thôn Pon Ban, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn được thành lập từ năm 2019 với sản phẩm gạo nếp Tú Lệ của HTX được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2020. Để phát triển thương hiệu, HTX đã liên kết với 200 hộ dân, diện tích 50 ha để sản xuất lúa nếp Tú Lệ theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 50 - 70 tấn gạo nếp Tú Lệ, sản phẩm của HTX đã được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như voso,vn, buudien.vn... 
 
Luôn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình và một trong những cách làm được của HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng ở thôn Khe Ngay, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên lựa chọn chính là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất an toàn. Bởi vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã lựa chọn quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu. 
 
Đặc biệt, với việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, các công đoạn chế biến chè luôn được thực hiện bảo đảm để sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Điều này đã từng bước xây dựng và phát triển chuỗi giá trị chè sạch, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn.
 
Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, các địa phương trong tỉnh đã, đang triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP, hướng dẫn các chủ thể hiểu biết các quy định về ghi nhãn, ứng dụng ghi mã số, mã vạch/QR-Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và cách thể hiện logo được bảo hộ trên bao bì, nhãn mác. 
 
Hiệu quả từ Chương trình OCOP ở nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua được đánh giá là khá rõ nét, tạo ra "làn gió” mới trong sản xuất và phát triển nông nghiệp. Trong đó, ngoài việc chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thì xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ sản phẩm cũng đã đem lại doanh thu cao cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Livestream bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội đang là cách làm rất hiệu quả trong việc tiêu thụ các sản phẩm.
 
Cùng với hình thức livestream bán sản phẩm thì các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP khác cũng đang được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu Yên Bái như: miến dong, mật ong, chè, quế, cá sấy, thịt sấy… được người tiêu dùng đánh giá cao. 
 
Ông Hoàng Hữu Độ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: "Để phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm; định hướng, hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ. Bên cạnh đó, người dân, HTX cần thay đổi tư duy, nhận thức, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị cho sản phẩm; xây dựng thương hiệu, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, nhất là các chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP”. 
 
Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến, góp phần xây dựng uy tín và thương hiệu vững chắc cho nông sản, tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 248 sản phẩm OCOP còn hiệu lực; trong đó, có 223 sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị thế trên thị trường và có mặt ở các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc. Qua đó, đã từng bước góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
 
Thanh Tân

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h