Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 trên địa bàn tỉnh Yên Bái

01/04/2019 09:34:51 Xem cỡ chữ Google
Để chủ động phòng, tránh, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 06/3/2019 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Thành phố Yên Bái tổ chức luyện tập các tình huống cứu chữa người bị thương do ngập lụt

Theo đó, nội dung Chỉ thị như sau:

“Trước biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thời tiết khí hậu, thiên tai trong thời gian qua hết sức phức tạp, các dạng thiên tai xảy ra với tần suất, cấp độ gia tăng. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2019 và những năm tiếp theo, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, cực đoan, khó lường theo chiều hướng nghiêm trọng hơn như rét đậm, rét hại, mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán... Để chủ động phòng, tránh, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể kể cả các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai năm 2018, xác định rõ những việc đã làm được và chưa làm được, nguyên nhân tồn tại trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn thật chi tiết, cụ thể, phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị mình, đảm bảo thống nhất đồng bộ từ huyện đến cơ sở, nhất là đối với các vùng trọng điểm xung yếu; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa phương nhằm đối phó kịp thời, có hiệu quả với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra.

2. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định tại Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực cụ thể.

3. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc và tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành (đặc biệt là cấp cơ sở xã, thôn, bản) các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống thiên tai cụ thể: Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống thiên tai; Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng chống thiên tai; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cướng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Yên Bái; Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 20/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái...

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai. Chủ động rà soát, di dời dân cư kịp thời ra khỏi các khu vực thiên tai nguy hiểm.

b) Tăng cường kiểm tra, đánh giá, quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thuỷ lợi, hồ đập, hệ thống tiêu thoát nước, khu hầm lò, khai thác mỏ, khu dân cư, khu vực ven sông, suối; đánh giá mức độ an toàn hồ đập; ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

c) Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống, ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

d) Chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động các  nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

đ) Chỉ đạo các hộ gia đình chủ động sửa chữa, gia cố nhà ở để đảm bảo sức chống chịu với thiên tai; chủ động phòng tránh thiên tai, tuyên truyền vận động nhân dân khắc phục hậu quả thiệt hại, không trông chờ, ỉ nại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

e) Tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thu nộp quỹ và đẩy mạnh công tác thu, nộp quỹ phòng, chống thiên tai để tăng nguồn tài chính đầu tư cho phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo thực hiện các phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp thời tiết của từng địa phương để hạn chế thiệt hại; xây dựng kế hoạch cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo đáp ứng đủ, kịp thời cho sản xuất. Đề xuất các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác cảnh báo, ứng phó, quản lý thiên tai. Xây dựng kế hoạch, đôn đốc thu nộp Quỹ phòng, chống thiên tai.

6. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh: Chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014. Sẵn sàng chi viện, hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang, thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn đảm bảo lực lượng quân đội là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố thiên tai. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện quân sự sát với yêu cầu nhiệm vụ.

7. Công an tỉnh: Chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng thiên tai; tham gia cứu hộ, cứu nạn; phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí lực lượng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai, kiểm soát phương tiện giao thông qua các đoạn đường bị ngập sâu, sạt lở đất, sụt lún đất... Hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

8. Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Yên Bái: Theo dõi chặt chẽ, cập nhật, xử lý kịp thời thông tin về tình hình diễn biết thời tiết khí hậu, nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp về thời tiết, cung cấp kịp thời các số liệu, bản tin dự báo thời tiết cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các ban, ngành, địa phương liên quan để kịp thời chỉ đạo đối phó với mọi diễn biến của thiên tai.

9. Sở Giao thông vận tải: Lập kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt cho người và các phương tiện khi có sự cố thiên tai xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, khắc phục sự cố thiên tai. Quan tâm đặc biệt đến các tuyến đường trọng điểm; các khu vực đường xung yếu, cầu yếu, sạt lở đất để ứng cứu, thay thế khi có sự cố ách tắc giao thông trong thời gian nhanh nhất.

10. Sở Công thương: Tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, kiểm tra, kiểm định đảm bảo an toàn các công trình đập hồ thủy điện, hầm lò khai thác khoáng sản, hệ thống cung cấp điện. Rà soát điều chỉnh quy trình vận hành, xả lũ và các Phương án đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du các hồ chứa lớn theo lưu vực. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch dự phòng các mặt hàng thiết yếu, thực hiện cung ứng hàng cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trước mùa mưa lũ.

11. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị quỹ đất để di chuyển, sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm. Hướng dẫn thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản vi phạm các quy định của Luật phòng, chống thiên tai.

12. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Theo dõi chặt chẽ tình hình, mức độ thiệt hại do thiên tai, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, cứu đói, thăm hỏi động viên, hỗ trợ kịp thời cho dân cư khu vực bị thiệt hại do sự cố thiên tai gây ra; bảo đảm cuộc sống an sinh cho nhân dân ổn định.

13. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Yên Bái và các cơ quan thông tin đại chúng: Tăng cường công tác truyền tin, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo thời tiết, các chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai.

14. Sở Y tế: Xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau khi thiên tai; chuẩn bị đầy đủ lực lượng cán bộ y tế, dự trữ đủ cơ số thuốc, phương tiện, vật tư y tế, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu cứu thương, phòng ngừa bệnh dịch; hướng dẫn cho cộng đồng dân cứ về kỹ thuật cấp cứu thông thường, biện pháp vệ sinh, xử lý môi trường vùng bị thiên tai. Cấp cứu nạn nhân bị thiên tai kịp thời; tham gia các cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

15. Sở Giáo dục và Đào tạo: Lồng ghép kiến thức phòng chống thiên tai với kiến thức giảng dạy trong trường học; xây dựng phương án ứng phó với thiên tai của ngành giáo dục bản đảm an toàn cho học sinh; kiêm tra trường lớp trước mùa mưa, lũ để có kế hoạch sửa chữa đảm bảo cho công tác dạy và học; chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học khi cần thiết.

16. Sở Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng Khoa học - Công nghệ các Đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt trong công tác truyền tin dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai nguy hiểm thường xảy ra trên địa bàn tỉnh.

17. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan điều hành Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh: Tiếp tục cân đối ưu tiên bố trí nguồn ngân sách, Quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trong kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 để di dời dân cư, sửa chữa, nâng cấp duy tu bảo dưỡng hồ đập, kè chống sạt lở đất... Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác, ưu tiên các công trình phòng chống, khắc phục hư hỏng do thiên tai và đảm bảo các hoạt động cần thiết, yêu cầu hoạt động của cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Đồng thời tranh thủ, vận động các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ cho các công tác phòng, chống thiên tai.

18. Các sở, ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

19. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia, chủ động phòng, tránh, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Người dân chủ động dọn vệ sinh đường sau ngập lụt.

 

BAN BIÊN TẬP

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h