Tin Hoạt động >> Phong trào

Những bông hoa tươi thắm Đại đoàn kết

28/11/2022 09:48:04 Xem cỡ chữ Google
Chẳng quản nắng, mưa, sớm, tối, bất kể công việc gì của thôn, bản, tổ dân phố, họ đều luôn có mặt đầu tiên và tham gia rất nhiệt tình. Đó là những Trưởng Ban công tác Mặt trận (CTMT) ở khu dân cư – những người đã và đang đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc.

Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái tặng bằng khen cho những Trưởng Ban công tác mặt trận tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc công tác mặt trận, giai đoạn 2017 - 2022.

Trong tiết chuyển mùa, dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường nông thôn khang trang, sạch đẹp, hai bên đường ngập một màu đỏ của hoa Mẫu đơn, màu vàng của hoa cúc đang thi nhau khoe sắc, ông Hoàng Văn Đài – Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT thôn 4, xã Mường Lai, huyện Lục Yên phấn khởi: “Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, 5 năm qua, nhân dân trong thôn đã tự nguyện hiến trên 1.200 m2 đất, đóng góp hơn 520 ngày công để làm đường giao thông nông thôn; 150 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa; 25 triệu đồng xây dựng tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê”. Đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm “sáng – xanh – sạch – đẹp”; tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nên năm 2021, thôn 4 đã được công nhận là thôn nông thôn mới đầu tiên của xã”. Hiện tai, ở thôn 4 không có trường hợp tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên. Nhân dân trong thôn luôn thực hiện tốt các quy định về việc cưới, việc tang và có trách nhiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc nên hàng năm có trên 90% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Cuộc sống ở thôn 4 đã có nhiều đổi thay rõ nét. Đây cũng là minh chứng cụ thể cho những nỗ lực, cố gắng của Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT Hoàng Văn Đài – người luôn dành mọi tâm huyết, nhiệt tình cho công việc của thôn, xóm. Chẳng quản nắng, mưa vất vả, ông Đài thường xuyên đi tới từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà, pháp luật của Nhà nước; các phong trào, cuộc vận động do tỉnh, địa phương phát động, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới.

Cũng là một cán bộ năng động, nhiệt huyết với công việc, kể từ khi được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, chị Hà Thị Giang sinh năm 1985  luôn “gần dân, sát cơ sở”, tích cực, chủ động tìm hiểu tâm tư, nguyên vọng của người dân để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Tham gia một buổi họp thôn An Sơn do chị Hà chủ trì, tôi đã được chứng kiến một không khí rất dân chủ, cởi mở, mọi người dân đều tích cực tham gia phát biểu ý kiến; trao đổi, thảo luận những vấn đề mà cán bộ thôn đưa ra. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong thực hiện các công việc như: ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; xây dựng mô hình cánh đồng một giống lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; thành lập Tổ tự quản... Mặc dù mới đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT năm 2017, song, chị Hà đã phối hợp với các cán bộ trong thôn vận động nhân dân trong thôn hiến trên 6.000 m2 đất, đóng góp trên 200 ngày công để xây dựng 3,2 km đường nội đồng, đổ mới 427 m đường nội thôn, tổng trị giá trên 350 triệu đồng; lắp đặt 50 bóng điện “Thắp sáng đường quê”, 4 camera an ninh tại các điểm ra, vào thôn; thành lập 4 tổ tự quản, 4 đội bóng chuyền hơi, 2 đội văn nghệ thường xuyên tổ chức thi đấu, biểu diễn, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi trong nhân dân. Cùng với đó, chị Hà và Ban Chi ủy, Ban CTMT thôn còn vận động nhân dân thực hiện thành công việc “dồn điền đổi thửa” với tổng diện tích 32,5 ha để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thực hiện xây dựng mô hình cánh đồng một giống lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Dự kiến, trong vụ mùa tới, thôn An Sơn sẽ triển khai thực hiện ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí lao động, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đây có thể coi là một bước đột phá trong thay đổi tư duy sản xuất của người dân thôn An Sơn và là tiền đề để các địa phương trong tỉnh nghiên cứu, học tập, làm theo. Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT thôn An Sơn - Hà Thị Giang chia sẻ: “Máy bay không người lái là một thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. Khi phun, thuốc bảo vệ thực vật sẽ được tách ra thành những hạt mịn nhỏ và phun đều lên các bộ phận của cây trồng. Do đó, năng suất sẽ cao gấp nhiều lần so với phun thủ công, đồng thời giúp giảm thất thoát thuốc bảo vệ thực vật và tiết kiệm nước”.

Sáng tạo, nhiệt tình trong công việc, giống như Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT Hoàng Văn Đài và Hà Thị Giang, Bí thư chi bộ, Trưởng ban CTMT bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải  - Vàng A Tồng sinh năm 1988, song đã sớm được “Đảng tin – dân tín” bởi những đóng góp cho quê hương. Dế Xu Phình là bản vùng cao với trên 90% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, đời sống người dân trong bản rất khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều; nhiều hộ dân còn tư tưởng trông chờ, ý lại vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lưu giữ nhiều hủ tục lạc hậu và xảy ra tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên. Trước thực trạng đó, Bí thư chi bộ, Trưởng ban CTMT Vàng A Tồng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, anh còn hướng dẫn đồng bào trong bản thành lập mô hình “Tự quản về an ninh trật tự”, mô hình “Bản hạnh phúc” và 3 mô hình “Dòng họ tự quản về không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”… Qua đó, các hộ dân đã tự nguyện, tự giác thực hiện tốt các quy ước, hương ước của bản và chủ động trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình như hộ Ông Chang Sông Lử đã hiến 280 m2 đất để xây dựng trường mầm non của xã; hiến 400 m2 đất nương, ruộng, góp hàng trăm công lao động, trên 10 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn.

Đồng chí Giàng A Tông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhận định: “Hiện tại, toàn tỉnh có 1.356 Trưởng Ban CTMT, trong đó  cao tuổi nhất là gần 80 tuổi. Họ chính là “cánh tay” nối dài của Mặt trận trong việc tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các phong trào, cuộc vận động, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa phương”. 5 năm qua, với tinh thần, trách nhiệm cao, các Ban CTMT trong tỉnh đã vận động thành lập và duy trì được trên 3.147 Tổ tự quản ở các thôn, bản, tổ dân phố; đã tham gia hàng chục nghìn cuộc giám sát các vụ việc, vấn đề được dư luận và nhân dân quan tâm; tham gia cùng Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát hàng trăm vụ, việc, hàng ngàn công trình, dự án liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của Nhân dân. Đặc biệt, các Trưởng Ban CTMT, các thành viên Ban CTMT còn là những “hạt nhân” tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần đưa Yên Bái trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở khu vực Tây Bắc với 18/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 89/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Những đóng góp của các Trưởng Ban CTMT đã và đang góp phần tích cực vào thành tích chung của hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh nói chung. Qua đó, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển nhanh và bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.                                

Thảo Nhi

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h